Tên lửa không gian Đức nổ tung chỉ vài giây sau khi phóng thử
Một công ty khởi nghiệp của Đức đã chế tạo một tên lửa quỹ đạo với hy vọng có thể phóng vệ tinh vào không gian từ châu Âu trong tương lai. Tuy nhiên, chuyến bay thử nghiệm đã thất bại.
Hôm Chủ nhật (30/3), một tên lửa quỹ đạo do Isar Aerospace - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Ottobrunn - Munich, chế tạo đã được phóng từ trung tâm vũ trụ Andøya ở Na Uy. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng, tên lửa đã rơi xuống biển và phát nổ.

Tên lửa Spectrum rời bệ phóng. Ảnh chụp màn hình.
Dù chuyến bay thử thất bại, Isar Aerospace vẫn khẳng định đây là một thành công lớn. Họ tuyên bố đã trở thành công ty vũ trụ thương mại đầu tiên phóng tên lửa quỹ đạo từ lục địa châu Âu.
Tên lửa có tên Spectrum rơi xuống biển Na Uy khoảng 30 giây sau khi phóng, nhưng công ty cho biết mục tiêu chính của chuyến bay này là thu thập dữ liệu kỹ thuật để cải thiện các lần phóng sau.
Vụ phóng diễn ra lúc 12:30 trưa theo giờ địa phương từ trung tâm không gian Andøya, Na Uy. Theo Isar Aerospace, tên lửa đã rời khỏi bệ phóng thành công trước khi gặp sự cố.
"Tên lửa đã bị vô hiệu hóa sau 30 giây và rơi xuống biển theo cách có kiểm soát", công ty cho biết.
Trong một tuyên bố trên trang web công ty, Daniel Metzler, CEO kiêm đồng sáng lập Isar Aerospace, khẳng định: "Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chúng tôi đã đạt mọi kỳ vọng, mang lại thành công lớn. Chúng tôi đã chứng minh rằng mình không chỉ có khả năng thiết kế và chế tạo, mà còn có thể phóng tên lửa".
Tên lửa Spectrum có chiều dài 28 mét, đường kính 2 mét, có thể mang tải trọng từ 700 đến 1.000 kg vào không gian, tùy thuộc vào quỹ đạo.
Được thành lập vào năm 2018, Isar Aerospace được coi là câu trả lời của châu Âu đối với các ông lớn ngành không gian như SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos.
Dù có nhiều tham vọng, châu Âu vẫn tụt hậu so với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực chinh phục không gian. Châu Âu đang thiếu một hệ thống phóng vệ tinh ổn định, sau khi chương trình Ariane 6 bị trì hoãn và Nga ngừng hợp tác với châu Âu trong lĩnh vực vũ trụ.