Tên gọi đảo Cồn Cỏ thời kỳ vương triều Nguyễn
Cồn Cỏ là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, thuộc vùng biển Quảng Trị, có vị trí chiến lược quan trọng, là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đảo cách đất liền nơi gần nhất là 13 hải lý. Thời kỳ vương triều Nguyễn trị vì, đảo Cồn Cỏ đã được triều đình đặt tên cũng như sử dụng đảo vào việc cụ thể.

Một góc huyện đảo Cồn Cỏ -Ảnh: K.N
Cồn Cỏ còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh - tỉnh Quảng Trị). Đảo có diện tích tự nhiên 230,39 ha. Theo sử sách thì từ thế kỷ thứ XVII - XVIII, trên con đường giao lưu buôn bán, cư dân Đại Việt đã coi Cồn Cỏ là một điểm dừng.
Theo chính sử Triều Nguyễn, thời kỳ Triều Nguyễn trị vì, đảo có tên là Thảo Dữ - 草 嶼 (Thảo tiếng Hán Việt là cây cỏ, Dữ là đảo nhỏ). Đảo nằm trước Cửa Tùng. Có lẽ cũng chính vì nghĩa đó mà thời kỳ vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, tên gọi quen thuộc người dân gọi là Hòn Cỏ.
Dưới chế độ phong kiến Triều Nguyễn, đảo Cồn Cỏ đã được triều đình sử dụng để đày ải những người mắc trọng tội. Sách “Đại Nam thực lục chính biên - Đệ tam kỷ” quyển 2, trang 26 và 27 có chép: “Tân Sửu, Thiệu Trị năm thứ nhất (1841), mùa xuân, tháng Giêng. Bộ Hình làm danh sách các tù phạm từ tội sung quân và tội lưu trở xuống, người nào nên lưu lại, hay nên tha, phân biệt rõ ràng tâu xin vua định.
Vua dụ rằng: Ân điển mới lần đầu không như ân điển tầm thường, đáng nên nhất luật giảm tha cho cả, nhưng vì bọn thổ phỉ hạt Trấn Tây chưa dẹp xong. Trước đây, các tù phạm được tha ra phát vãng đi các nơi quân thứ, hiện đương có việc sai phái, phải đợi đến khi công việc dẹp giặc xong sẽ xét. Lại như con cháu nhà Lê, trước đã dời đến ở các hạt từ tỉnh Quảng Nam trở về phía Nam, cấp cho tiền và ruộng đất, đó là lòng thương của Tiên đế nghĩ đến con cháu của triều trước, cho họ đến ở chỗ đất yên vui, biệt riêng giới hạn, để được cùng hưởng phúc thăng bình.
Nay họ đã được sinh sống yên nghiệp, không nên lại dời đổi đi nơi khác nữa. Còn những người xã Sơn Âm là thổ dân của người Miên, trước đây đã chia đi cho ở một nơi biên cương, đã được ở yên rồi; những tù phạm bị an trí ở Thảo Dữ (tức Hòn Cỏ) đều là kẻ điên cuồng giết người, hoặc kẻ đầu mục của giặc ra thú, nếu nhất khái tha cho cả, thì là một việc không may cho lương dân. Bộ Hình bàn xin cứ theo như cũ, cũng tạm thỏa đáng”.
Triều Nguyễn đã khẳng định chủ quyền biển đảo đối với Thảo Dữ (Hòn Cỏ). Đích thân các vua Triều Nguyễn cũng nhiều lần đề cập đến hòn đảo trong những buổi thiết triều. Có lẽ, chính quyền phong kiến Triều Nguyễn đã dựa vào địa thế xa xôi, nằm giữa biển khơi của hòn đảo để sử dụng vào việc biệt giam các tội phạm nguy hiểm.
Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập theo Nghị định số 174/2004/NĐ-CP ngày 1/10/ 2004, trên cơ sở đảo Cồn Cỏ thuộc xã Vĩnh Quang. Ngày nay, đảo Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng của đất nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ Biển Đông. Trong lịch sử hào hùng của vùng đất Quảng Trị anh hùng, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi, nơi phên dậu của Tổ quốc trong việc khẳng định chủ quyền, cương vực về biển đảo.
Mấy trăm năm trước, nhà Nguyễn đã dùng tên gọi Thảo Dữ trong các hoạt động của chính quyền, danh xưng này có lẽ là tiền đề để người dân sau này gọi với cái tên thuần Việt là Hòn Cỏ và bây giờ là Cồn Cỏ.