Tên đất, tên làng sau sáp nhập

Tên làng xã, thôn xóm sẽ thay đổi hoặc biến mất về 'danh xưng' còn nơi 'chôn rau cắt rốn' của mỗi người vẫn sẽ còn đó. Sự thay đổi chỉ là tên gọi hành chính, cấp hành chính chứ không làm mất đi yếu tố văn hóa cội nguồn.

Làng tôi, thuở xưa có tên là làng Hón. Dân làng chiếm khoảng nửa xã, cùng với làng Thìn, làng Đọ, làng Trung, làng Chùa tạo thành một dải đất ven biển cằn cỗi, nghèo đến nỗi con cáy, con cua cũng gầy. Cùng với nhiều lần chia tách, sáp nhập, tổi tên, làng Hón giờ chỉ còn trong ký ức.

Nghề kéo rùng mãi in đậm trong ký ức của người dân quê tôi dù sáp nhập, chia tách, đổi tên

Nghề kéo rùng mãi in đậm trong ký ức của người dân quê tôi dù sáp nhập, chia tách, đổi tên

Nếu tính từ sau cách mạng tháng Tám đến nay làng tôi cũng trải qua không ít lần chia tách. Từ làng Hón thành 2 làng: Đông Hòa và Thanh Xuân. Rồi trong 2 làng lại chia thành 5 xóm: Hải Đình, Hải Hòa, Hải Thanh, Hải Xuân, Hải Thịnh. Đến nay, làng Hón xưa ổn định thành 2 thôn: Đông Hòa và Thanh Xuân, không còn xóm. 80 năm nhưng làng đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, đổi tên. Điều đó cho thấy, sự biến đổi về địa giới hành chính làng xã là hiện tượng không mới, tùy theo yêu cầu phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử.

Với tôi, bây giờ, hễ có ai hỏi quê ở đâu, tôi đều buột miệng nói ngay: “Hải Tiến”. Là bởi làng tôi nằm ở trung tâm khu du lịch biển Hải Tiến, nhắc đến cái tên thôi, người hỏi quê mình đã hình dung ra vị trí. Làng Hón hay thôn Thanh Xuân, xóm Hải Xuân, xã Hoằng Hải vì thế ít được nhắc đến.

Hải Tiến, nói như người sáng lập ra khu du lịch cùng tên là “tiến ra biển làm giàu” chứ không phải là sự lắp ghép cơ học giữa hai xã: Hoằng Hải và Hoằng Tiến (huyện Hoằng Hóa) để đặt tên cho khu du lịch đang trở thành điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh. Một cái tên mang ý nghĩa sâu sắc và được quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế, du lịch ở khu vực phía Đông của huyện.

 Hải Tiến là một gợi ý cho tên xã mới ở quê tôi

Hải Tiến là một gợi ý cho tên xã mới ở quê tôi

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng địa phương quê tôi vẫn chưa công bố phương án sáp nhập, đặt tên cho các xã mới nhưng dư luận đã râm ran chuyện tên đất, tên làng còn hay mất?

Các cụ cao niên kiến nghị, nếu sáp nhập 8 xã vùng biển thành 1 xã, nên lấy tên xã tôi, tức xã Hoằng Hải để đặt tên. Lý do được đưa ra là Hoằng Hải nằm ở trung tâm của 8 xã, lại có từ “Hải”, nghĩa là “biển”, vừa phù phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên vừa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với kinh tế biển, du lịch biển…Dẫu vậy, Hoằng Hải lại không phải là xã lớn nhất vùng, dân số, diện tích, kinh tế không bằng một số xã khác. Tên Hoằng Hải cũng không phải là tên cổ, mới hình thành từ năm 1954. Bàn tán một hồi, thấy có vẻ không thuyết phục, các cụ chuyển sang phương án 2, trở về tên gọi cũ hình thành từ trước cách mạng tháng Tám là Ngọc Chuế (tổng). Phương án này, theo các cụ là nhằm trở lại với giá trị truyền thống, để người dân các xã khỏi tâm tư theo kiểu xã anh, xã tôi, xã nào cũng có lợi thế riêng.

Tuy là chuyện bàn ở bàn trà, vỉa hè, không chính thức nhưng cả hai phương án của các cụ đều không được lớp trẻ ở địa phương ủng hộ. Một số bạn thuộc thế hệ 8X, 9X lên trang cá nhân đề xuất phương án lấy tên gọi “Hải Tiến” đặt cho tên xã mới với lý do, từ hơn mười năm qua, khu du lịch biển Hải Tiến đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của cả huyện, cả tỉnh. Tên mới cũng khá đẹp về ngữ nghĩa, phù hợp với đặc điểm địa lý, lịch sử địa phương và quan trọng hơn là thể hiện ước mơ, khát vọng tiến ra biển làm giàu…

Được hỏi ý kiến, tôi khá lúng túng vì không có đủ hiểu biết để phân tích thấu đáo. Tuy nhiên, qua quan sát từ việc đặt tên sau sáp nhập ở các địa phương trong cả nước, tôi cho rằng chọn đặt tên xã trong giai đoạn tới không nên phân biệt quê anh, quê tôi kiểu cục bộ địa phương mà phải hướng tới mục tiêu chung là vừa giữ gìn được truyền thống văn hóa của vùng đất, vừa tạo được không gian, dư địa để phát triển. Tuyệt đối không nên ghép tên một cách cơ học để làm hài lòng tất cả, dẫn đến tình trạng tên gọi sau sáp nhập trở nên ngô nghê, thậm chí hài hước, gây cười… Cũng không nhất thiết phải lấy tên một xã cũ để đặt tên cho xã mới nhằm hạn chế thay đổi thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ, việc thay đổi thông tin cá nhân, tổ chức sau sáp nhập sẽ không phức tạp như trước đây do đã có sự hỗ trợ từ công nghệ số.

Đồng tình với tên gọi mới là Hải Tiến, tôi cho rằng, 8 xã vùng biển quê tôi từng là một đơn vị hành chính, dưới tên gọi tổng Ngọc Chuế xưa. Nay, dù Hải Tiến chỉ là tên của một khu du lịch, mới được định danh chính thức từ năm 2004, không phải là một cấp hành chính nhưng tên gọi ấy có đầy đủ các yếu tố “xưa - nay” để chọn đặt tên cho xã mới.

Dù có chia tách, sáp nhập, đổi tên thì bình minh trên biển Hải Tiến quê tôi vẫn đẹp như thế

Dù có chia tách, sáp nhập, đổi tên thì bình minh trên biển Hải Tiến quê tôi vẫn đẹp như thế

Rồi đây, tên làng xã, thôn xóm sẽ thay đổi hoặc biến mất về “danh xưng” còn nơi “chôn rau cắt rốn” của mỗi người vẫn sẽ còn đó. Sự thay đổi chỉ là tên gọi hành chính, cấp hành chính chứ không làm mất đi yếu tố văn hóa cội nguồn. Sau sáp nhập, nếu thôn tôi, xã tôi, huyện tôi không còn nhưng không ai cấm tôi nói mình là người Hoằng Hóa, người đất Trạng, đất học.

Một đứa trẻ rụng rốn chôn rau ở đất nào thì đất ấy mãi là đất mẹ yêu thương. Thế giới phẳng, đất nào lành thì nhiều chim đậu. Tổ tiên nguồn cội nào cũng mong con cháu phải trổ cành, xanh lá vươn tới muôn sau. Còn cứ ngồi kỳ cọt đẽo gọt quá khứ, ăn mày dĩ vãng thì khó để hội nhập với thời đại mới.

Ký ức về mái rạ bờ tre, cồn cát bãi ngao, kéo rùng đi khêu, đánh dậm cào dắt không thể vì sáp nhập, chia tách, đổi tên mà biến mất. Ca dao, tục ngữ, hát ru vẫn bay bổng cánh cò với những ai còn nặng lòng với quê hương. Tên đất, tên làng sẽ theo ta mãi dù đi đến góc biển chân trời nào.

Tất nhiên, việc sáp nhập, chọn tên cho xã mới, tỉnh mới như thế nào cần phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, dân chủ. Ở đó, cần có những kiến giải thuyết phục từ giới nghiên cứu nhưng cũng cần tham khảo ý kiến của người dân bản địa để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, vì mục tiêu phát triển.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ten-dat-ten-lang-sau-sap-nhap-d205186.html
Zalo