Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam
Sàn thương mại điện tử Temu vẫn trong thời gian chờ xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm Temu hoạt động trở lại.
![Sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_72_51446498/873b34280066e938b077.jpg)
Sàn thương mại điện tử Temu vẫn chưa được phép hoạt động tại Việt Nam.
Nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, sàn thương mại điện tử Temu hiện vẫn trong thời gian chờ xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Theo quy định, khi nền tảng thương mại này hoàn thiện đủ và hợp lệ hồ sơ mới xem xét cấp phép hoạt động.
Cuối năm 2024, trước yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, Temu phải khóa phiên bản tiếng Việt, tạm dừng hoạt động để chờ xin cấp phép.
Ông Hoàng Ninh, phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, sau khi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động làm việc, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu Temu đã triển khai thực hiện một số biện pháp theo yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, như: Tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu).
Cùng đó, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin cấp phép theo quy định của Nghị định số số 52/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Đơn vị quản lý của nền tảng này đã cung cấp hồ sơ cho nhà chức trách nhưng phải chờ đợi cơ quan chức năng thẩm định các điều kiện trước lúc phê duyệt.
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện việc đăng ký hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Liên quan đến đơn hàng của người tiêu dùng đã đặt trước thời gian sàn Temu tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, nhưng đến nay chưa được chuyển trả, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, ngay sau khi được yêu cầu sàn Temu dừng hoạt động tại Việt Nam, phía cơ quan Hải quan cũng đã quyết định dừng thông quan đối với tất cả hàng hóa có liên quan đến những website, ứng dụng chưa được đăng ký với Bộ Công thương, nên hàng hóa theo đơn mua trên Temu sẽ không vào được Việt Nam.
Yêu cầu từ Bộ Công thương cũng nêu rõ, đối với những đơn hàng đã đặt trên sàn Temu nhưng khách hàng chưa nhận được, sàn Temu phải có thông báo xin lỗi và thực hiện chính sách hoàn tiền vào tài khoản của khách hàng.
Ra mắt năm 2022, Temu, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc nhanh chóng xâm chiếm các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam… với chiêu thức hàng giá rẻ và nhiều ưu đãi lớn cho người mua hàng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm bán trên Temu bị đánh giá có chất lượng thấp.