Tê tê java - bảo vật quốc gia

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Bảo tồn đa dạng sinh học do WWF - Mỹ thực hiện cho thấy Vườn quốc gia Cát Tiên có sự hiện diện cao một số loài quý hiếm ở Việt Nam, đặc biệt là tê tê Java với số lượng lớn hơn nhiều so với bất kỳ khu vực nghiên cứu khác thuộc dãy Trường Sơn.

Xác suất của tê tê Java cao đáng kể, chứng tỏ quần thể tê tê Java vẫn còn sinh sống và phát triển tại khu vực miền Đông Nam Bộ.

Tê tê Java loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Tê tê là loài động vật có vú thuộc lớp thú (Mammalia), bộ tê tê (Pholidota). Hiện nay, bộ tê tê chỉ còn duy nhất họ còn sinh tồn là Manidae, chia thành ba chi: Manis, Phataginus và Smutsia. Chi Manis gồm 4 loài được tìm thấy ở châu Á, 2 chi còn lại ở châu Phi. Chi Manis gồm 8 loài sinh sống ở các vùng thuộc châu Phi và châu Á, trong đó tê tê của Việt Nam được xác định thuộc loài Manis Pentadactyla (tê tê vàng hay tê tê Trung Quốc sinh sống ở miền Bắc, miền Trung và cao nguyên Lâm Viên) và loài Manis Javanicus (tê tê Java sinh sống ở miền Nam trở ra đến Quảng Nam). Hai loài này đều được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo nghị định của Chính phủ.

Loài tê tê có thân thon, đầu nhỏ, lưng gù, đuôi dài, hai chân trước dài hơn hai chân sau, chân có móng vuốt dài và cứng, móng hai chân trước được dùng để đào lỗ, phá tổ côn trùng như kiến, mối… tìm thức ăn và leo trèo. Toàn thân được bao phủ bởi lớp vảy cứng bằng keratin - chất liệu tương tự móng tay, móng chân con người. Mép vảy sắc và nhọn để giúp cho việc tự vệ.

lẽ người tiền sử đã dành nhiều tình cảm thiêng liêng đối với loài thú bản địa này, đến nỗi xem tê tê Java như vật thiêng của cộng đồng nên mới dành nhiều quặng đồng và tâm trí tạo tác ra một sản phẩm đẹp, sinh động, đỉnh cao của nghệ thuật - tín ngưỡng trong văn hóa tiền - sơ sử Đông Nam Bộ.

Tê tê có thể cuộn tròn lại thành một quả bóng khi bị đe dọa, với những lớp vảy chồng lên nhau đóng vai trò như chiếc áo giáp, bảo vệ khuôn mặt bằng cách nhét mặt dưới đuôi khi thấy nguy hiểm. Tê tê thường làm ổ trong những hốc cây rỗng, hoặc đào hang sâu dưới lòng đất. Khi sinh sản, tê tê mẹ nuôi con bằng sữa, thường cõng con trên lưng (phía đuôi) khi đi kiếm mồi.

Tê tê sinh hoạt chủ yếu vào ban đêm, dùng khứu giác rất thính để tìm kiếm thức ăn, ban ngày chúng thường cuộn tròn như trái bóng và nằm trong ổ (hang). Miệng tê tê không có răng, thức ăn chủ yếu là kiến và mối, chúng dùng lưỡi với nước dãi rất dính để bắt mồi. Vì móng dài nên khi di chuyển, các ngón chân ở phía hai bàn chân trước được quặp lại, hướng vào lòng bàn chân, chỉ khi leo trèo hoặc bám vào các cành, thân cây thì các ngón chân với móng dài phía trước mới được sử dụng để bám víu, di chuyển, giữ cho thân khỏi rớt khỏi cành, thân cây.

Vật linh trong văn hóa tiền - sơ sử Đông Nam Bộ là bảo vật quốc gia

Tượng đồng tê tê Long Giao, niên đại thế kỷ I-II, được phát hiện năm 1985, cùng với sưu tập qua đồng (15 tiêu bản), nơi phát hiện là miệng núi lửa cổ khá đẹp, cách Di tích quốc gia đặc biệt Mộ Cự thạch Hàng Gòn khoảng 4km về phía Tây.

Tượng được đúc bởi khuôn sáp nhiều mang, thuộc dòng tượng tròn, trong tư thế đứng, cân đối, chất liệu đồng thau. Phần đầu dài, nhỏ, có cấu tạo mõm dài, hơi há ra, mắt lồi nhỏ, hai tai có vành nổi thêm hình tròn như vòng khuyên. Từ cổ đến đuôi có vảy xếp chồng lên nhau theo từng hàng khá đều (phần bụng không có vảy), thân phình to và thuôn nhỏ về đuôi, ở vị trí cuối bụng giáp với đuôi có một lỗ sâu, ăn thông vào khoang bụng. Tượng có 4 chân, 2 chân trước lớn và cao (3,5cm) hơn 2 chân sau (2cm), song không thể hiện 5 ngón và móng vuốt nhọn như vật thật. Bên ngoài phủ một lớp patina màu xám xanh. Tượng đồng tê tê Long Giao được mô phỏng theo tê tê Java, sinh sống phổ biến ở phía Nam Việt Nam, đặc biệt hiện được bảo tồn và phát triển rất tốt tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tượng đồng tê tê Long Giao là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo lần đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của loài thú này trong tâm thức điêu khắc tiền - sơ sử và nghệ thuật tạo hình tượng tròn - một sản phẩm sáng tạo đặc sắc trong phương thức lao động sản xuất và tín ngưỡng thờ vật linh, tiêu biểu cho những đồ đồng thời tiền - sơ sử tìm thấy ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Đây cũng là khối tượng bằng đồng lớn nhất khu vực mà khảo cổ học được biết về trọng lượng và kích thước tính đến thời điểm hiện nay.

Trước đó, tại di tích Dốc Chùa thuộc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện được tượng chó săn mồi bằng đồng, có lỗ để xỏ dây đeo kiểu bùa (amulette) - vật trang sức của thủ lĩnh bộ lạc hay tôn giáo đương thời. Tượng này miêu tả con chó giống Canis dingo đã săn được 1 con chồn dơi gần gũi với mô típ chó săn hươu trang trí trên rìu đồng gót vuông - vũ khí thông dụng của cư dân các Vua Hùng với niên đại C14 trong tầng văn hóa khảo cổ từ 2.990 + 105 năm đến 2.495 + 50 năm cách ngày nay (bảo vật quốc gia).

Tượng chó săn mồi ở Dốc Chùa cũng thể hiện những con thú bản địa ở miền đồi rừng nguyên sinh Đông Nam Bộ, song nó nhỏ hơn nhiều về kích thước cũng như độ tinh xảo so với tượng đồng tê tê Long Giao.

Giá trị tượng đồng tê tê Long Giao không chỉ ở sản phẩm đẹp, hoàn mỹ mang ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng được lưu truyền đến ngày nay, mà nó còn chứng tỏ tài năng bậc thầy của các nghệ nhân đúc đồng vùng đất Đồng Nai thời tiền - sơ sử qua cách tạo dáng tinh xảo, sắc nét, tỉ mỉ đến chi tiết ở đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng đầy tài hoa. Tượng được đúc chuẩn xác về hình thức cũng như kích thước từ mẫu thật; từ đầu, lỗ tai, mắt, mỏ… đến các lớp vảy đều được chế tác khéo léo, chuẩn xác, cân đối như thật.

Sự hiện diện của tượng đồng tê tê Long Giao và sưu tập qua đồng lớn tới mức ngạc nhiên về số lượng, kích thước và trọng lượng ở di tích khảo cổ duy nhất Đông Nam Bộ kiểu kho tàng (trésor) Long Giao, chứng tỏ kỹ nghệ luyện kim cổ Đồng Nai đã phát triển đến đỉnh cao. Đây chính là hiện tượng khảo cổ thuộc về sơ kỳ thời đại sắt - ở thời điểm mà công cụ, vũ khí được luyện rèn đã xuất hiện phổ biến, hoàn chỉnh về hình dáng. Nhờ vậy, những nghệ nhân thời tiền - sơ sử Đông Nam Bộ đã chế tạo ra các sản phẩm, vũ khí ngoại lệ kiểu qua hay những tượng thú lớn gần như nguyên mẫu kiểu tê tê Java ở Long Giao.

Cùng với sưu tập đàn đá đặc sắc Bình Đa, sưu tập qua đồng đồ sộ Long Giao (bảo vật quốc gia), sưu tập kiếm sắt quyền uy và trang sức vàng, đá quý lộng lẫy tùy thân của quý tộc Đông Nam Bộ an giấc ngàn thu trong các “cánh đồng chum” Xuân Lộc, bùa mang theo hình tượng chó săn mồi, dơi trang điểm cho thủ lĩnh bộ lạc hay tôn giáo trong mộ đất Dốc Chùa, trống đồng đúc kiểu Đông Sơn (Heger I) và Mộ Cự thạch Hàng Gòn dành cho nhân vật thế lực nhất cộng đồng… Tượng đồng tê tê Long Giao cũng đã góp phần tạo ra “hiện tượng độc đáo” của khối kết tinh văn hóa nguyên thủy Đông Nam Bộ ở thời điểm không còn nguyên thủy nữa - ngưỡng cửa của thời đại mà F.Engels gọi là “Văn minh”, giới khảo cổ học gọi là “Nhà nước sớm”.

Với những giá trị đặc biệt, độc bản, độc đáo, tượng đồng tê tê Long Giao đã được tổ chức Asia Society (New York) chọn đưa sang Houston và New York trưng bày trong cuộc triển lãm, chủ đề “Arts of Ancient Viet Nam - from River Plain to Open Sea” năm 2010. Năm 2013, được Nhà xuất bản Laurence King, Luân Đôn (Anh) đưa vào quyển Asian Art như một tài liệu học tập và giảng dạy tại nước Anh. Ngày 31-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia.

Nguyễn Hồng Ân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/te-te-java-bao-vat-quoc-gia-6422ea9/
Zalo