Năm Tỵ đàm rắn luận xà
Không phải chằn tinh trong cổ tích Thạch Sanh - Lý Thông hay rắn chuông trong ngôi đền Natchez thờ thần mặt trời của người Aztec (Trung Mỹ); không phải thần xà trong truyền thuyết Thanh xà - Bạch xà Trung Hoa cũng không phải vị thần nguyên thủy tối cao nửa người nửa rắn Atum trong tín ngưỡng Ai Cập cổ xưa hay con rắn quỷ quyệt đã xúi giục Eva ăn cây nhận thức trong vườn địa đàng Eden mà sách 'Sáng thế Khải huyền' kể...
Không phải quái vật rắn Yacumana thời cổ trên dòng Amazon hay rắn Naga 7 đầu bành mang lớn trong Phật thoại, cực thiêng trong tâm thức dân gian Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, trong tín ngưỡng Khmer, Champa; không phải mãng xà trần gian Jormungandr của thần thoại Bắc Âu cũng không phải Bát kì Đại xà Yamatano Orochi trong Thần Đạo Nhật Bản có 8 đầu, 8 đuôi, 8 cặp mắt đỏ, thân hình trải dài 8 thung lũng, 8 quả đồi được ngụy trang bằng rêu phong, cây bách và tuyết tùng trên lưng; không phải rắn Tharu, thủy tổ người Venda châu Phi hay rắn Điămbo uy lực tối cao của người Congo hoặc mãng xà Ogidia là niềm tin tối thượng về tổ tiên người Nigeria;
không phải rắn Viper là tổ tiên các tù trưởng bộ lạc Kouyou hay rắn thần Quetzalcoátl (rắn lông chim) trên các chi tiết kiến trúc thành phố cổ Teotihuacan Mexico; không phải rắn 9 đầu Lernaean Hydra mà Hercules đánh bại trong thần thoại Hy Lạp hay hình vẽ rắn khắc chạm trên vách các hang động Iran; không phải rắn Ouroboros cắn đuôi chính nó theo chiều kim đồng hồ thành vòng tròn tượng trưng cho chu kỳ sống, chết và tái sinh tạo thành sự bất tử; không phải rắn hổ mang sông Nil bằng vàng, ngọc, đá quý được chạm trổ trên vương miện các pharaoh để hộ mạng cho bậc vua chúa;
không phải giai thoại rắn báo oán Nguyễn Trãi trong vụ thảm án Lệ Chi viên hay chuyện rắn thần giúp Thiên Hộ Dương diệt giặc Pháp cũng không phải tích chuyện Hoàng xà làng Phong triều (Phú Xuyên, Hà Nội); không phải bức tượng Rắn cắn thân, chân xé mình hay rắn Elaphe Longissima quấn quanh chiếc gậy gỗ nguyệt quế của thần Asclepius trong logo ngành dược (biểu tượng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh tật và kéo dài tuổi thọ);
không phải trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành, Tiền Giang) hay những chai rượu ngũ xà, các món thực phẩm làng Lệ Mật; không phải cây nọc rắn (lưỡi rắn) hay loài thú cưng trăn hoàng gia ở các nước Trung Đông; không phải lễ hội rắn Nag Panchami của người Hindu hay cuộc trình diễn thôi miên rắn bằng tiếng sáo du dương trên đường phố Ấn Độ; không phải bài thơ Rắn đầu biếng học của Lê Quý Đôn hay Xà quyền của võ thuật cổ truyền hoặc trò Rắn săn mồi trên game điện thoại Nokia... mà tôi sẽ nói về điển tích rắn trong mối tương quan với các con giáp khác của văn hóa Á Đông.
Con chi rọt rẹt sau hè/Hay là rắn mối tới ve chuột chù?
Chuột là loại thức ăn khoái khẩu của rắn. Câu ca dao châm biếm mối quan hệ lén lút, bất chính, không đứng đắn. Trong kho tàng ca dao Việt còn có câu: Cần chi cá lóc, cá trê/Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều…
Tương quan rắn và trâu
Biểu tượng trâu trong Phật giáo là tâm ý chúng sinh. Thuần hóa cái vô minh, giáo hóa cái si mê là giá trị độ hóa, khai mở trí tuệ, điều ngự tâm đối với người tu tập trong thế giới nhà Phật. Cảm hóa cái ác, chuyển hóa cái tà là sức mạnh của cái chính, cái thiện, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc về biểu tượng rắn trong đạo Phật. Điều này đã khiến rắn thần phát nguyện phục tùng theo Đức Phật. Phật thoại kể rằng, khi Ngài đang tọa thiền dưới cội Bồ đề thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể Ngài đồng thời tạo ta một dòng lũ lớn. Đúng lúc đó mãng xà vương Naga liền bò ra khỏi nơi trú ẩn, cuộn mình thành 7 vòng tròn quanh Đức Phật và dùng 7 cái đầu của mình làm thành chiếc lọng lớn che chở cho Ngài thiền định.
Hùm thiêng rắn độc
Để nói về tương quan giữa hổ và rắn có lẽ mọi người thường chỉ biết đến: Miệng hùm nọc rắn, Hang hùm miệng rắn, Hùm tha rắn cắn, Xà cung thạch hổ hoặc toa thuốc Ngũ xà pín hổ chứ ít người biết đến câu chuyện Phật giáo mang đầy tính biểu tượng cho hiện thực của cuộc sống sau đây:
Anh nọ vào rừng bị cọp rượt. Cọp gần kề, thấy cái giếng bên đường, anh nhảy đại xuống. Nhưng rủi cho anh, giếng không có nước mà có con rắn hổ mang to đang khoanh tròn dưới đáy. Theo bản năng, anh chụp thành giếng và nắm trúng một rễ cây, anh đu tòn teng trong lúc con rắn vươn cổ vói mổ chân anh mà không tới. Ngước nhìn lên anh thấy con cọp đang với chân cào tay anh nhưng cũng không tới. May quá. Trong hoàn cảnh may mắn ấy, anh chợt thấy hai con chuột, một trắng một đen, trong hang chui ra và bắt đầu gậm rễ cây anh đang níu. Cùng lúc mật ong từ trên trời rơi xuống trúng mũi anh; thì ra lúc con cọp vói bắt anh, thân nó đè lên một cành cây làm tổ ong mật trên cành cây bị vỡ ra để mật rơi lã chã. Anh liếm mật, mỉm cười và thầm nói với mình “Ngon, ngon tuyệt!”.
Chuyện kể chấm dứt tại đây, không có hồi kết rõ ràng. Nếu phải phân tích lớp nghĩa sâu xa ẩn tàng trong câu chuyện trên thì bạn nghĩ sao? Tôi thấy nó rất đời mà cũng rất đạo, như công án thiền của các vị cao tăng xưa. Nó đặt ra câu hỏi phải phản ứng thế nào trong cơn khủng hoảng sống chết? Chúng ta thường hay bị kẹt giữa cọp đói (cái chết) và rắn hổ mang (tai họa) với hai con chuột (ngày và đêm) đang gặm nhấm rễ cây (sự nắm níu) cứu mạng (sự sống). Là người khôn ngoan, chúng ta hãy liếm mật (hạnh phúc) đang nhỏ từng giọt. Tương lai chưa đến và bất định, chúng ta không biết trước việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thế nên, tại đây và ngay trong khoảnh khắc này, hãy thưởng thức mật ngọt của đời.
Một bài học Phật giáo sâu sắc, phải không các bạn?
Rắn và mèo
Theo chuyện kể dân gian xứ miệt vườn Đồng Tháp Mười, linh miêu là một loại mèo ma, được sinh ra từ cuộc hôn phối rừng rú ngẫu nhiên và hiếm có giữa mèo mun cái với loài rắn hổ chỉ ăn loại thịt duy nhất là thịt cóc.
Trong truyền thuyết Do Thái, mèo được liên kết với rắn chỉ sự tội lỗi, lạm dụng những phúc lợi ở thế gian này.
Trong nền văn minh Babylon, mèo đen là biểu tượng của một con rắn cuộn vào lò sưởi…
Rồng rắn lên mây
Là trò chơi dân gian của trẻ em với bài đồng dao.
Đầu rồng đuôi rắn: việc lúc đầu hưng thịnh sau suy yếu, chuyện khi xuất khởi đẹp đẽ nhưng sau kết chẳng ra gì, sự không tương xứng giữa những bộ phận có phẩm chất quá khác biệt trong cùng một chỉnh thể; Vẽ rồng vẽ rắn: bày vẽ lôi thôi, rườm rà, làm cho sự việc phức tạp; Rồng thất thế hóa thành rắn…
Rắn liu điu có phước cũng hóa rồng/ Phượng hoàng chớp cánh, rụng lông như cò. Liu điu là một loại rắn nhỏ, giống như thằn lằn rất nhút nhát, hễ nghe tiếng động là trốn ngay. Trứng rồng mới nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu; Con công ăn lẫn với gà/ Rồng kia rắn nọ xem đà sao nên?; Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo; Học chẳng biết chữ cua chữ còng/ Nói những chữ như rồng như rắn...
Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa/ Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Trách anh bạn tình gian dối đảo điên/ Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em là lời hờn trách của người con gái với chàng trai.
Đánh rắn phải nhớ chặt đầu/ Nếu còn nọc độc nhỡ đâu cắn càn/ Ngựa phi nước đại gian nan/ Thị phi ngôn loạn hoang mang lòng người/ Kẻ ngu nịnh cả ông Trời/ Hiền tài mải việc, kiệm lời, lòng trung…
Rắn và dê
Linh vật Pakistan là loài sơn dương hoang dã Markhor. Cái tên được tạo bởi hai từ trong tiếng Pakistan là mar (rắn) và khor (ăn thịt). Markhor sở hữu cặp sừng cực kỳ ấn tượng nhất hành tinh và có khả năng giết chết rắn độc bởi bọt mép dê khi nhai thức ăn có thể loại trừ nọc độc rắn.
Cõng rắn cắn gà nhà
Chỉ sự phản phúc.
Rắn không chân rắn bò khắp núi/ Gà không vú nuôi chín mười con.
Con gà có cánh không bay/ Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng…
Rắn và chó
Tương quan giữa chó - rắn là những trận thư hùng bất phân thắng bại. Có trận rắn thắng, có trận bại. Tương đồng giữa chó - rắn là đều có thể bắt chuột. Tương khắc chó - rắn là rắn sợ tiếng kêu của chó, mèo. Chỉ cần đánh hơi thấy mùi của hai loài động vật này là rắn sợ hãi mà tránh xa. Vì thế, ta có thể nuôi một chú cún hoặc mèo con để ngăn chặn rắn, một mẹo đuổi rắn thật đơn giản mà hữu hiệu.
Rắn và lợn
Rắn là một trong những loài vật nguy hiểm mà ông cha ta đã đúc kết “Miệng hùm nọc rắn”. Thế nhưng, lợn không sợ rắn mà còn là một trong những khắc tinh của loài rắn. Thực tế, lợn không phải là “thợ săn rắn” mà chỉ đơn giản là phản ứng theo bản năng. Khi nhìn thấy bất kỳ con rắn nào đến gần đàn con, lợn sẽ ngay lập tức phản ứng dữ dội dùng chân dẫm rắn đến chết để bảo vệ đàn con trước sự nguy hiểm đang đe dọa. Lợn không thích ăn thịt rắn và sẽ không chủ động tấn công nếu không thực sự cần thiết, chỉ lúc phòng vệ mà thôi. Còn khi không xâm phạm vào lãnh thổ của nhau thì “Nước sông không phạm nước giếng”.
Ngược lại, không có chuyện rắn sợ lợn. Rắn có thể cắn lợn nhưng do lợn có lớp da dày và rất nhiều mô mỡ nên nọc độc khó có thể xâm nhập được vào máu của chúng. Rắn không chủ động tấn công lợn không phải vì sợ mà nó cũng sẽ như vậy với bất kỳ loài vật to lớn vượt trội nào khác, bởi dù giết được đối phương cũng không ăn được mà lại tốn một lượng nọc độc làm giảm khả năng tự vệ.
Vì vậy, có thể gọi mối tương quan giữa lợn và rắn là tương khắc tương kỵ.
Trước thềm Xuân Ất Tỵ, đàm rắn luận xà bên chén trà cũng được một vài trống canh…