Tây Nguyên trong ký ức người lính
Lâm Đồng là thành lũy cuối cùng của địch tại Tây Nguyên trong chiến dịch trường kỳ kháng chiến Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước ngày 30/04/1975. Sau 50 năm giải phóng, những người lính ở vùng đất cao nguyên Lâm Viên này vẫn còn lưu giữ nhiều ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ và luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương.
Quân dân Đà Lạt chung sức, đồng lòng kháng chiến

Ông Nguyễn Duy Dũng, cựu Chiến binh Đại đội T12, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn 305, Bộ Tư Lệnh Đặc Công. Ảnh: ND.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Duy Dũng, thuộc Đại đội Đặc Công T12, Tiểu Đoàn 1, Sư Đoàn 305, Bộ Tư Lệnh Đặc Công, hồi tưởng lại những năm đầu (1969-1970) hành quân lên Đà Lạt - Tuyên Đức. Ngay khi đặt chân đến Đà Lạt, Đại đội T12 đã cùng với các cánh quân kháng chiến khác thực hiện liền 5 trận đánh, mở đầu là vào Trung tâm chiến tranh Chính trị của địch đêm 31/3/1970, tiêu diệt hơn 500 quân địch.
Ngoài ra quân ta đã tham gia đánh hàng chục trận lớn nhỏ để hỗ trợ các bàn đạp xung quanh thành phố Đà Lạt xây dựng phát triển các cơ sở cách mạng, xây dựng thực lực chính trị cách mạng bên trong lòng địch. "Từ đó quân ta đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho toàn dân Đà Lạt đồng lòng tham gia kháng chiến", cựu chiến binh Nguyễn Duy Dũng tự hào.
Theo lịch sử Đảng bộ phường 11, TP Đà Lạt: Góp phần vào thắng lợi của chiến dịch tiến công vào Đà Lạt, ngoài các đội du kích mật của địa phương tham gia dẫn đường cho các mũi tiến công, các gia đình cơ sở và nhân dân các ấp Sào Nam, Tự Tạo, Trại Mát,… đã cung cấp vận chuyển hơn 10 tấn lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc tây. Để bảo đảm bí mật trong điều kiện địch kiểm tra, kiểm soát gắt gao, người dân đã tự phân công từng gia đình đi mua ngày nào, mua bao nhiêu để tránh địch phát hiện; mua rồi vận chuyển ra địa điểm tập kết giao hàng, làm sao che mắt được kẻ thù... Đã có nhiều tấm gương bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vận chuyển từng hạt gạo, hạt muối, viên thuốc đến nơi tập kết an toàn, có gia đình cơ sở hàng ngày cho người nhà, nhất là trẻ em mang từng ký gạo đưa ra ngoài vườn, kẻ địch kiểm tra thì trả lời mang ra vườn nấu cơm cho người làm ăn, cứ như vậy hàng ngày gia đình đông người đã chuyển được 5 đến 7 kg gạo. Có gia đình gói gạo, gói muối bằng bọc nilon, sau đó cho vào bao xác rắn (bao đựng phân cá) rồi xếp lẫn với xe phân cá chở ra điểm tập kết. Các chị cơ sở ở Tự Tạo có sáng kiến cho thuốc tây vào bình bơm thuốc sâu, hoặc gói vào trong bao phân cá, điềm nhiên đi qua trạm kiểm tra kiểm soát của địch; có chị cẩn thận hơn gói thuốc tây vào bọc nilon để chìm dưới đáy bình, pha thuốc sâu đậm đặc đổ vào, đi qua trạm kiểm tra địch lục soát mở ra không sao phát hiện được... ra đến vườn nhanh chóng mở ra để đưa đến nơi quy định cất giấu an toàn.
Còn có những gia đình ở ấp Tây Hồ (nay thuộc phường 11, TP Đà Lạt) đã xây dựng hầm trong nhà để nuôi giấu cán bộ, cụ thể như ông Lê Văn Cường, ông Nguyễn Đức Nhuận, ông Hoàng Văn Huyền, bà Nguyễn Thị Đính,...
"Nhờ sự chiến đấu mưu lược và anh dũng của đoàn quân giải phóng, cùng với sự ủng hộ và giúp sức của người dân sở tại, chỉ trong 3 ngày, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975 toàn bộ quân địch ở tỉnh Tuyên Đức tan rã, ta hoàn toàn làm chủ. Thị xã Đà Lạt và các địa phương Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương hoàn toàn giải phóng. Nhân dân tưng bừng, phấn khởi chào đón bộ đội và lực lượng cách mạng vào tiếp quản, nô nức xuống đường diễu hành, cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên mọi nẻo đường. Các tổ chức cách mạng bắt tay ngay vào việc ổn định an ninh trật tự, hăng hái ủng hộ ban quân quản chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng chính quyền cách mạng', Cựu Chiến binh Phạm Ngọc Ánh nguyên là Chính trị viên phó đại đội 54b thuộc tỉnh đội Tuyên Đức, nguyên là Chính trị viên cơ quan quân sự huyện Đức Trọng chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Lâm Đồng.

Sơ đồ cuộc tập kích chiến lược vào Đà Lạt năm 1970. Ảnh: ND.
Củng cố chính quyền cách mạng, duy trì sản xuất, sẵn sàng chi viện cho miền Nam
Ngay sau ngày giải phóng Đà Lạt 3/4/1975, bên cạnh việc vẫn duy trì huấn luyện sẵn sàng cho việc điều động chiến đấu vì miền Nam chưa hoàn toàn được giải phóng, quân và dân TP Đà Lạt đã bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục duy trì sản xuất, tích trữ lương thực sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam, nhờ vậy khi cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 bước vào những giờ phút quyết định quân dân thành phố Đà Lạt đã chuyển hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn lít xăng dầu cho chiến dịch; Nha Địa dư vừa mới được tiếp quản cũng đã huy động hết công suất cả ngày lẫn đêm in hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng, bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định để kịp thời chuyển cho các đơn vị chủ lực trên đường tiến quân thần tốc.
Tháng 2/1976, sau gần một năm sau ngày Đất nước hoàn toàn giải phóng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, kể từ thời điểm này tỉnh Lâm Đồng bước sang giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội như vũ bão.

Một góc của thành phố Đà Lạt hôm nay. Ảnh: Tiến Đạt.
Sống trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, Cựu chiến binh Phạm Ngọc Ánh xúc động, tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội đã hiến dâng cuộc đời mình cho Đất nước. "Tôi nhận thức sâu sắc rằng từng bước đi và sự trưởng thành của mình, cũng như bao đồng chí khác, đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của quân đội và sự giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang, nuôi nấng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.
Trở về đời thường tôi luôn tâm niệm rằng mình là Cựu chiến binh thì phải sống cho xứng đáng với truyền thống của Quân đội Nhân dân Anh hùng, xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Chính quyền, chế độ Xã hội Chủ nghĩa, bảo vệ Nhân dân; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cựu Chiến binh Phạm Ngọc Ánh nguyên là Chính trị viên phó Đại đội 54b thuộc tỉnh đội Tuyên Đức, nguyên là Chính trị viên cơ quan quân sự huyện Đức Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đàm Trọng.
Tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ hôm nay ngày càng thông minh, sáng tạo, đủ bản lĩnh, tài năng, giữ vững và phát huy truyền thống quý báu của địa phương, của dân tộc, của Quân đội Nhân dân Việt Nam và tinh thần chiến thắng 30 tháng 4, đem hết sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".