Tây Nguyên, sự hồi sinh kỳ diệu
Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, các vùng đất cách mạng Kon Tum, Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Đắk Mil (Đắk Nông) đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ những chiến địa ác liệt, nay đã vươn lên trở thành những vùng kinh tế năng động, giàu tiềm năng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Kon Tum đô thị trẻ bên dòng sông Đăk Bla. Ảnh PT.
Kon Tum: Đô thị trẻ bên dòng sông Đăk Bla
Ông Nguyễn Trung Quế - cựu chiến binh thuộc Ban Trinh sát, Tỉnh đội Kon Tum cũ, vẫn nhớ như in những ngày chiến đấu đầy gian khổ: “Địch bám trụ quyết liệt ở cầu Đăk Bla và các cứ điểm quanh sân bay Kon Tum. Bộ đội ta phải vượt qua bãi mìn, hố bom để giành giật từng căn nhà, từng ngõ hẻm”.
Giờ đây, những địa danh từng nhuốm màu khói lửa đã trở thành trung tâm kinh tế và du lịch phát triển. Kon Tum hiện là thủ phủ dược liệu của Tây Nguyên, nổi bật với sâm Ngọc Linh – “quốc bảo” giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Theo UBND tỉnh, diện tích trồng sâm Ngọc Linh đã lên đến gần 2.922ha, giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, du lịch sinh thái Măng Đen ngày càng hút khách, hướng tới mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách vào năm 2025. Hệ thống giao thông như Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 đã được đầu tư đồng bộ, tạo động lực phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định: “Để đưa Kon Tum phát triển giàu mạnh, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, chú trọng giáo dục, y tế, văn hóa. Tỉnh Kon Tum cũng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên như: nhạc cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, lễ hội truyền thống... để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc”.

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột.
Từ trận mở màn đến Buôn Ma Thuột hôm nay
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 là bước ngoặt trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở đường cho quân ta tiến về giải phóng miền Nam. Ông Hồ Quảng Trị - cựu chiến binh tham gia trận đánh, xúc động kể lại: “Mở màn trận đánh rất ác liệt, chúng tôi phải dốc toàn lực để tiêu diệt các cứ điểm của địch”.
50 năm sau, Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị hiện đại, với mục tiêu phát triển thành “thủ phủ cà phê thế giới”. Trước năm 1975, thị xã Buôn Ma Thuột chỉ có diện tích trên 25km2 với dân số trên 70.000 người. Đến nay, Buôn Ma Thuột đã phát triển với diện tích tự nhiên là trên 377km2.
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, sau ngày giải phóng, thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn và phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2025, Buôn Ma Thuột hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo. Ông Hưng cũng khẳng định, các dự án hiện tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn, góp phần hoàn thiện hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố sẽ tiếp tục mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đóng góp vào sự phát triển địa phương.

Học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú N’ Trang Lơng trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Thanh Nga.
Gia Lai: Đổi thay trên cao nguyên xanh
Ông Hồ Văn Niên - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nhấn mạnh: “Gia Lai là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, nơi hội tụ văn hóa đặc trưng của 44 dân tộc anh em cùng sinh sống".
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, trong kháng chiến, quân và dân Gia Lai đã lập nên nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu là chiến thắng Đăk Pơ, Suối Vối - Rộc Dứa… góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước.
Cùng với Kon Tum và Đắk Lắk, tỉnh Gia Lai cũng trải qua sự thay đổi ngoạn mục sau 50 năm giải phóng. Từng là vùng chiến địa ác liệt, nay Gia Lai là trung tâm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến. Hiện hệ thống giao thông được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho giao thương phát triển. TP Pleiku, thủ phủ của tỉnh, ngày càng hiện đại với các khu đô thị mới, hệ thống bệnh viện, trường học đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh kinh tế, Gia Lai còn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên, với nhiều lễ hội truyền thống, nhạc cồng chiêng, kiến trúc nhà rông được gìn giữ. Chính quyền địa phương cũng nỗ lực nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể.
Đắk Mil ngày mới
Chiến thắng Đức Lập ngày 9/3/1975 là trận thắng lớn đầu tiên trong Chiến dịch Tây Nguyên. Sau ngày giải phóng, Đắk Mil từng là vùng đất nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhưng ngày nay, huyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Ông Đoàn Văn Kỳ một người dân sống lâu năm tại Đắk Mil chia sẻ: “Những năm 1990, nơi đây vẫn còn hoang sơ, đường sá khó đi. Nay thì khác, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, đời sống người dân nâng cao rõ rệt”.
Theo UBND huyện, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 76 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 1%. Đắk Mil đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với các vùng chuyên canh cà phê, sầu riêng, xoài xuất khẩu.
Bí thư Huyện ủy Đắk Mil, ông Phạm Thanh nhấn mạnh: “Địa phương đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8% mỗi năm. Chúng tôi cũng chú trọng bảo tồn văn hóa, phát triển y tế, giáo dục, đồng thời giữ vững quốc phòng - an ninh khu vực biên giới”.
Sau 50 năm giải phóng, những vùng đất từng là chiến địa nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành những trung tâm kinh tế - văn hóa của Tây Nguyên. Những vùng đất này không chỉ đổi thay về diện mạo mà còn là biểu tượng cho tinh thần quật khởi, sức mạnh đoàn kết của con người Tây Nguyên.