Tàu 'Viện sĩ Oparin' thu thập gần 17.000 mẫu sinh vật biển phục vụ nghiên cứu

Ngày 28-5, tại Viện Hải dương học (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phân viện Viễn Đông (FEBRAS) tổ chức hội thảo tổng kết lộ trình hợp tác nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025

Theo báo cáo tại hội thảo, trong 8 năm qua, tàu khảo sát “Viện sĩ Oparin” đã thực hiện 4 chuyến khảo sát hỗn hợp tại 474 điểm trạm từ Bắc vào Nam, bao gồm cả các khu vực đảo tiền tiêu, thu thập gần 17.000 mẫu sinh vật biển. Các mẫu vật này phục vụ nghiên cứu về đa dạng sinh học và chất hoạt tính sinh học trong vùng biển Việt Nam.

 Quang cảnh hội thảo, ngày 28-5. Ảnh: HIẾU GIANG

Quang cảnh hội thảo, ngày 28-5. Ảnh: HIẾU GIANG

Nghiên cứu khoa học biển là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa VAST và Viện FEBRAS. Qua 20 năm (2005-2025), hai bên đã tiến hành 10 chuyến khảo sát hỗn hợp, trong đó có 9 chuyến khảo sát về đa dạng sinh học và hóa sinh biển bằng tàu “Viện sĩ Oparin” trong vùng biển Việt Nam.

Trong 10 năm qua, hơn 20 lượt cán bộ khoa học trẻ từ các viện chuyên ngành thuộc VAST đã sang Nga học tập, nghiên cứu. Hai bên đã công bố chung 64 công trình khoa học, trong đó có 33 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, 3 đầu sách chuyên khảo và nhiều bài báo khoa học khác.

GS. Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST, khẳng định các chuyến khảo sát đã tạo ra bộ tư liệu toàn diện về điều kiện môi trường, tiềm năng đa dạng sinh học và chất hoạt tính sinh học tại vùng biển Việt Nam, làm cơ sở khoa học quan trọng phục vụ công tác quản lý, khai thác và bảo tồn biển bền vững.

 Tàu “Viện sĩ Oparin” neo đậu trong vịnh Nha Trang, chiều 1-5. Ảnh: VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC

Tàu “Viện sĩ Oparin” neo đậu trong vịnh Nha Trang, chiều 1-5. Ảnh: VIỆN HẢI DƯƠNG HỌC

Đặc biệt, trong chuyến khảo sát lần thứ 9 diễn ra từ ngày 1 đến 25-5-2025, tàu “Viện sĩ Oparin” đã thu thập thêm 6.500 mẫu sinh vật và 2.500 mẫu môi trường tại vùng biển phía Nam. Dữ liệu thu được sẽ được sử dụng để phân tích ô nhiễm biển, hiện diện vi nhựa, hợp chất hữu cơ khó phân hủy và xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám phục vụ quan trắc môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản.

HIẾU GIANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tau-vien-si-oparin-thu-thap-gan-17000-mau-sinh-vat-bien-phuc-vu-nghien-cuu-post797159.html
Zalo