Danh nhân Nguyễn Duy Thì và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc

Ngày 9/1, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572-1652) và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc'.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu cho biết: Hội thảo vừa là bước tiếp nối những nghiên cứu đã khá dày dặn của các thế hệ nhà khoa học và quản lý trước đây, đồng thời cũng là sự khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu mới với những yêu cầu và kỳ vọng mới do thực tiễn đặt ra. Đó không chỉ là gia tài quý báu cần được gìn giữ, bảo tồn mà chính là một nguồn xung lực to lớn trong sự nghiệp phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

56 tham luận, bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà sử học đã đánh giá khách quan về truyền thống quê hương, cuộc đời, công lao sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Duy Thì và dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc.

Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572-1652) sinh ra tại làng Hợp Lễ, xã An Lãng nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông ra làm quan và từng bước kinh qua nhiều chức vị quan trọng, rường cột của quốc gia. Ông cũng từng hai lần được triều đình cử đi sứ sang nhà Minh vào các năm 1606 và 1623. Dòng họ Nguyễn Duy có tới 12 vị tiến sĩ khoa bảng dưới triều Lê, đặc biệt có gia đình từ cha, con, chú, cháu trong cùng chi họ nhiều thế hệ tiếp nối đều có người đỗ đạt, làm quan dưới thời Lê - Trịnh.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cho rằng, Nguyễn Duy Thì sinh ra và hoạt động trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động, chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn chính trị, quân sự vào cuối thế kỷ XVI, nửa đầu thế kỷ XVII. Mặc dù là một người có tài đức, lại giữ một chức vụ vào hàng đứng đầu chính quyền Lê - Trịnh (Tể tướng), nhưng Nguyễn Duy Thì vẫn bị cuốn vào những cuộc chiến đấu do triều đình Đàng Ngoài phát động, nên ông khó có thể thi thố được hoài bão trị quốc, an dân của mình.

Trong hơn 50 năm làm quan, Nguyễn Duy Thì được các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Tráng rất quý trọng và tin tưởng. Hầu hết các lời thỉnh cầu, khuyên nhủ của Nguyễn Duy Thì đều được hai vị chúa Trịnh trên khen ngợi và chấp thuận.

Thảo luận về công lao, tài đức của Nguyễn Duy Thì dưới thời Lê Trung Hưng, Tiến sĩ Lê Quang Chắn (Viện Sử học) cho biết: Nguyễn Duy Thì là vị Tham tụng duy nhất trong số 42 người phò tá có công lao tài đức được hưởng vinh dự đặc biệt khi được chúa Trịnh cho mở phủ riêng ở quê nhà, có tên là phủ Bỉnh Quân. Trong quá trình làm quan, Nguyễn Duy Thì có 2 lần được chúa Trịnh tín cử làm việc với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Nghiên cứu những đóng góp của Danh nhân Nguyễn Duy Thì với giáo dục khoa cử Đàng Ngoài nửa thế kỷ XVII, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú (Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) nêu: Nguyễn Duy Thì và các đồng sự tại Quốc Tử Giám thể hiện hiệu quả việc nền giáo dục, khoa cử thời kỳ này dần ổn định, nhiều nhân tài xuất hiện; triều đình đã khôi phục được quy định, thể chế thi cử. Trong số những người được lựa chọn, có nhiều người xuất sắc, có đóng góp lớn vào việc xây dựng đất nước, phát triển giáo dục, văn hóa của đất nước như Giang Văn Minh, Nguyễn Duy Hiểu, Phạm Công Trứ đỗ trong khoa thi năm 1628; Nguyễn Xuân Chính đỗ Trạng nguyên khoa thi năm 1637...

Các tham luận tại hội thảo cũng khẳng định Nguyễn Duy Thì là một vị quan cương trực và tư vấn chính trị sâu sắc; có đóng góp quan trọng vào mối quan hệ ngoại giao với nhà Minh, thông qua các chuyến đi sứ. Ông nhận được nhiều đạo sắc phong và thăng tiến qua các chức vụ. Những sắc phong này không chỉ ghi nhận tài năng và phẩm hạnh của ông, mà còn phản ánh sự tín nhiệm mà triều đình dành cho ông trong việc duy trì pháp luật và bảo vệ lợi ích quốc gia...

Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Duy Thì còn để lại dấu ấn đối với con cái và các thế hệ sau. Dòng họ Nguyễn Duy, đặc biệt là con trai ông - Nguyễn Duy Hiểu - tiếp tục sự nghiệp của ông, góp phần vào sự ổn định của triều đại Lê Trung Hưng.

Với nhiều đóng góp quan trọng, khi mất Nguyễn Duy Thì được dòng họ và nhân dân quê nhà lập đền thờ ở tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Di tích đền thờ Nguyễn Duy Thì đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 1992.

Nguyễn Thảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/danh-nhan-nguyen-duy-thi-va-dong-gop-cua-dong-ho-nguyen-duy-trong-lich-su-dan-toc-20250109135551221.htm
Zalo