Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xét xử án hành chính

Hơn 90% số vụ án hành chính, người bị kiện đều có ủy quyền cho cấp phó nhưng thực tế, người được ủy quyền xin vắng với lý do bận họp hoặc công tác đột xuất.

Một phiên tòa xét xử án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh

Một phiên tòa xét xử án hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh

Số vụ án hành chính tăng

Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An, những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển kinh tế, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số vụ tranh chấp, khiếu kiện gia tăng mỗi năm. Trong đó, các khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai như thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất cấp chồng thửa, cấp không đúng đối tượng;... chiếm hơn 90% số vụ án hành chính mà TAND phải giải quyết hàng năm.

Đơn cử, đường Vành đai TP.Tân An vừa hoàn thành, tạo diện mạo mới cho thành phố, tuy nhiên cũng xảy ra hàng chục vụ khiếu kiện hành chính trong công tác giải tỏa, đền bù và tái định cư.

Hay dự án Trạm biến áp 500kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối ngang qua tỉnh, dù là dự án nhằm đưa ánh sáng về các vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhưng cũng xảy ra hàng loạt vụ khiếu kiện về quyết định cưỡng chế, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Cùng với đó, hầu hết các dự án đã và đang triển khai trong thời gian qua như dự án Khu dân cư chỉnh trang đô thị Trung tâm thị trấn Tân Trụ 2, dự án xây dựng Khu dân cư - Thương mại chợ mới Bến Lức, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tình trạng khiếu kiện của người dân vẫn tiếp diễn.

Thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2023, Tòa hành chính TAND tỉnh thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 334 vụ, giải quyết 293 vụ, đạt 87,7%, cao hơn so với chỉ tiêu của Quốc hội gần 30%, vượt chỉ tiêu của TAND Tối cao giao trên 20%.

So cùng kỳ, thụ lý tăng 12 vụ, giải quyết tăng 12 vụ. Đồng thời, Tòa hành chính thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 2 vụ việc, giải quyết 2 vụ việc.

Thực tiễn qua công tác xét xử cho thấy, hiện nay, các vụ việc liên quan án hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Theo Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng, hiện nay, hơn 90% số vụ án hành chính, người bị kiện đều có ủy quyền cho cấp phó nhưng thực tế người được ủy quyền xin vắng với lý do bận họp hoặc công tác đột xuất.

pháp luật tố tụng hành chính không cấm việc xin xét xử vắng mặt người bị kiện nhưng việc vắng mặt này gây khó khăn cho công tác giải quyết án, tòa án không thể tổ chức đối thoại, người bị kiện cũng không nghe phía người khởi kiện trình bày bức xúc đối với quyết định hành chính hoặc hành vi của người bị kiện, nhất là các vụ kiện mà người bị kiện là cơ quan quản lý đất đai khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà người dân cho là không thỏa đáng.

Bên cạnh đó, đối với các vụ án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, cấp chồng lấn thửa, không đúng diện tích, rất cần ý kiến tranh tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường không tham gia, không hợp tác hoặc chậm có ý kiến đối với yêu cầu của người khởi kiện dẫn đến khó khăn cho công tác xét xử vụ án hành chính.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Từ thực tế những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Tòa hành chính TAND tỉnh chủ động thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng chất lượng xét xử án hành chính. Trong đó, khi gửi thông báo thụ lý vụ án cho người bị kiện, TAND sẽ gửi kèm văn bản đề nghị người bị kiện cử người tham gia tố tụng và có ý kiến về yêu cầu của người khởi kiện; đồng thời, phối hợp đồng bộ với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp trong trao đổi đánh giá chứng cứ cũng như tố tụng để kịp thời bổ sung khắc phục hồ sơ, tránh tình trạng phải hoãn phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ hoặc đưa thêm người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, để công tác xét xử án hành chính bảo đảm chất lượng, hiệu quả, TAND tỉnh cũng kiến nghị, đối với việc cử người tham gia tố tụng, người bị kiện là UBND các cấp hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai với tư cách người bị kiện cần phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.

Người đứng đầu các cơ quan cần kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp phó về việc ủy quyền; báo cáo kết quả ủy quyền hoặc có hình thức cao hơn khi cấp phó không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Đồng thời, người bị kiện quan tâm nhiều hơn việc có ý kiến cho TAND, tránh tình trạng người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện thì TAND không có chứng cứ nào khác ngoài chứng cứ của người khởi kiện để bảo đảm bản án khi tuyên được chính xác, khách quan, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp hiện nay./.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-vuong-mac-trong-xet-xu-an-hanh-chinh-a180786.html
Zalo