Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công
Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung tại hội nghị sơ kết công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9-2024 diễn ra vào sáng 6-9.
Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế, Dương Mah Tiệp. Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Tính đến cuối tháng 8, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.405 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 39.128 tỷ đồng, tăng 9,55%; kim ngạch xuất khẩu đạt 630 triệu USD, tăng 18,87%; kim ngạch nhập khẩu đạt 108 triệu USD, tăng 15,32%...
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt theo đúng kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 91 xã đạt chuẩn NTM; 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 159 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 127 làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động du lịch tiếp tục khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Chế độ, chính sách dành cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện kịp thời, đầy đủ. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; đồng thời, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024. Đáng chú ý, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã phân bổ là hơn 4.344 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao mới năm 2024 trên 3.786 tỷ đồng, vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024 tiếp tục thực hiện gần 558 tỷ đồng. Tính đến ngày 28-8, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 1.514 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa lý giải: Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án chưa triển khai, đặc biệt là các dự án bố trí khởi công năm 2024. Hiện nay, các chủ đầu tư còn đang ở bước đấu thầu hoàn thiện để phê duyệt dự án, sau đó mới ký hợp đồng thực hiện. Ngoài ra, một số dự án có khối lượng thực hiện nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chủ đầu tư và các địa phương đã họp bàn kế hoạch sẽ chuyển vốn đối với một số dự án không có khả năng thực hiện qua các dự án có khả năng thực hiện, có nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quy định. Thời gian tới, Sở sẽ trình kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh về chuyển đổi vốn đối với một số dự án không có khả năng thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gặp không ít khó khăn, tiến độ giải ngân còn chậm, không đạt yêu cầu đề ra. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô cho biết: Các dự án đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp đều có tỷ lệ giải ngân thấp. Nguyên nhân là bởi từ đầu năm đến nay, các đơn vị giao vốn tập trung chủ yếu vào việc xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện từng nội dung dự án để thực hiện công tác đấu thầu theo quy định. Sau khi hoàn tất thủ tục đấu thầu, các đơn vị tổ chức tập huấn để giải ngân vốn sự nghiệp. Ngoài ra, nhiều nội dung chưa thực hiện được vì thiếu các quy định, định mức chi. Hiện tại, Ủy ban Dân tộc trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14-10-2021 để làm căn cứ cho các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của từng địa phương.
“Hiện các địa phương đang hoàn thiện hồ sơ đấu thầu và chờ Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thành lập 2 đoàn đi kiểm tra, giám sát những công việc còn lại xem còn khó khăn, vướng mắc gì để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho hướng chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện”-Trưởng ban Dân tộc tỉnh thông tin.
Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ
Về việc triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2024, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Đến ngày 31-8, toàn tỉnh đã trồng hơn 3.243 ha rừng (đạt 31,45% kế hoạch), trong đó có 13,53 ha rừng phòng hộ, 1.251,72 ha rừng sản xuất, 6 ha rừng đặc dụng, 946,101 ha cây phân tán và 1.026,48 ha cây trồng đa mục đích. Nguyên nhân khiến tiến độ trồng rừng chậm là do mưa muộn. Cùng với đó, những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ, 4 năm qua chưa cấp chủ trương dự án đầu tư trồng rừng... Vừa rồi, Sở đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển 57 tỷ đồng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để triển khai trồng rừng trong năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực để năm 2025 và các năm tiếp theo, tỉnh sẽ triển khai thực hiện tốt công tác trồng rừng.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành đã tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc liên quan trong giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác thu ngân sách, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, việc triển khai Luật Đất đai 2024… Bên cạnh đó, qua thảo luận, các thành viên của UBND tỉnh đã thống nhất 3 nội dung trình kỳ họp thứ 22 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và dự báo tình hình trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị lãnh đạo các sở, ngành bám sát các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của từng ngành, lĩnh vực để tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác tháng 9 và quý IV-2024. Trong đó, cần tập trung xác định rõ trách nhiệm, nêu cao ý thức tự giác, vai trò người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh phối hợp rà soát từng dự án đầu tư công đang triển khai trên địa bàn cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia để làm việc với các ngành, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân. Cùng với đó, có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024; tháo gỡ những vướng mắc ở các khu-cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu lãnh đạo tỉnh để làm việc với các bộ, ngành Trung ương nhằm sớm triển khai thực hiện Dự án tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ.