Kỳ vọng về tuyến đường sắt tốc độ cao
Ngày 3-11, Đoàn công tác do ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Cùng dự buổi làm việc có các ông: Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT); Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phục vụ nhu cầu phát triển
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tháng 8-2023, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản thống nhất về hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot (nơi tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu), trạm bảo dưỡng thuộc Dự án Đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa phận tỉnh. Theo đó, dự án qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 130km, đi qua 6 địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm và Cam Ranh. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 932,8ha, tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.337 tỷ đồng. Dự kiến tuyến đi qua địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 1 ga hành khách ở huyện Diên Khánh; 1 ga hàng ở thị xã Ninh Hòa; 2 depot ở huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa (cho ga hàng); 2 trạm bảo dưỡng tại xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) và xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm). Vị trí ga hành khách đặt tại xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh) có diện tích khoảng 4,5ha, diện tích quảng trường là 1,6ha.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, Dự án Đường sắt tốc độ cao là cơ hội để Khánh Hòa tiếp tục phát triển theo định hướng xây dựng tỉnh thành đô thị trực thuộc Trung ương. Theo đề xuất chủ trương đầu tư của Bộ GTVT, Khánh Hòa có ga hàng hóa tại thị xã Ninh Hòa và ga hành khách tại huyện Diên Khánh và có 1 ga tiềm năng ở khu vực phía nam (huyện Cam Lâm). Qua nghiên cứu chủ trương, UBND tỉnh cho rằng, ga tiềm năng ở huyện Cam Lâm cần được đầu tư sớm nhất vì ở đây đang mở ra triển vọng phát triển cho khu vực phía nam của tỉnh trong tương lai. Ga hành khách xây dựng tại đây sẽ tạo điều kiện phục vụ cư dân quận Cam Ranh và TP. Cam Lâm trong tương lai cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch khu vực phía nam của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị xem xét điều chỉnh ga hàng hóa tại thị xã Ninh Hòa trở thành ga lưỡng dụng, phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của khu vực Khu Kinh tế Vân Phong trong tương lai.
Sẽ mở ra không gian phát triển mới
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng, đối với các ý kiến của địa phương về vị trí ga hành khách, cần phải nghiên cứu kỹ nhu cầu (trong đó phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng đường sắt tốc độ cao về quy mô dân số, khoảng cách các ga...), đầu tư bài bản mới đảm bảo hiệu quả, tạo sức hút. Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về quy hoạch ga tiềm năng tại khu vực phía nam của tỉnh. Tuy nhiên, phải đến khi khu vực này hình thành các đô thị, trung tâm kinh tế mới có đủ điều kiện để xem xét bổ sung ga.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, Dự án Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam mang lại nhiều giá trị to lớn cho phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, tạo ra hàng triệu việc làm, giúp tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của nền kinh tế quốc gia nói chung và các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua nói riêng. Trên cơ sở ý kiến của địa phương, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này, trong đó nhất trí về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ngày 4-11, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên họp toàn thể về nội dung này; nếu đầy đủ điều kiện sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố với 23 ga khách, 5 ga hàng. Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Dự kiến, dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý IV/2024; hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, lựa chọn nhà thầu trong giai đoạn 2025 - 2026; khởi công trong năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng trong năm 2035.