Tập trung tháo gỡ 'điểm nghẽn' triển khai đề án 06

Triển khai Đề án 06 và thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc

Ngày 12/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 316/TB-VPCP thông báo kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Kết luận của Thủ tướng nêu, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch UBND các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm phải có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đã chỉ ra.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06. Ảnh: Baochinhphu.vn.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 06. Ảnh: Baochinhphu.vn.

Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai các dịch vụ công thiết yếu bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ theo quy định; tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền, hoàn thành theo tiến độ theo quy định.

Các Bộ, cơ quan đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật giải quyết triệt để việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến quản lý dân cư theo lộ trình đã thống nhất với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại Báo cáo số 155/BC-TCT ngày 29/3/2024.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước theo khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước năm 2023 và rà soát, cập nhật, điều chỉnh, sung dữ liệu của hệ thống thông tin do bộ, ngành quản lý với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để phục vụ triển khai cấp căn cước từ ngày 1/7/2024 theo quy định của Luật Căn cước.

Thủ tướng giao các bộ, cơ quan: Công an, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Phú Yên khẩn trương hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023, đề ra lộ trình và báo cáo kết quả trong tháng 7 năm 2024.

Các Bộ, cơ quan bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 18/CT-TTg để đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm quản lý toàn diện và xác định một đầu mối quản lý nhà nước chung về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới, cắt giảm TTHC, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các tiện ích thanh toán điện tử và tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý thuế.

Xây dựng và thống nhất kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; rà soát, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện số hóa, làm giàu CSDL của mỗi bộ, ngành về hoạt động kinh doanh TMĐT và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trong nước và xuyên biên giới. Trên cơ sở đó, giao Bộ Công thương xây dựng và vận hành CSDL dùng chung về TMĐT.

Tiếp tục triển khai cung cấp 13 tiện ích trên VNeID

Riêng Bộ Công an, Thủ tướng giao tiếp tục triển khai cung cấp 13 tiện ích trên VNeID. Đặc biệt triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại TP. Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế để nhân rộng trên toàn quốc trong tháng 7/2024.

Phối hợp với các Bộ và các địa phương nâng cấp, hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Phần mềm dịch vụ công liên thông, CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết 2 nhóm TTHC liên thông được thông suốt, hiệu quả theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024.

Chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu giải pháp triển khai định danh tàu thuyền trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4/2024.

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: TL

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: TL

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) với các chuyên đề về chuyển đổi số và an toàn, an ninh thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; thúc đẩy tiến độ kết nối, đồng bộ CSDL quốc gia về dân cư với CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp và lộ trình làm sạch tài khoản cho các trang TMĐT và các trang mạng xã hội thực hiện hoạt động kinh doanh, quảng cáo. Rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn, kỹ thuật để sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử đáp ứng mục tiêu quản lý hoạt động TMĐT, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Phối hợp với các bộ, ngành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT nói chung, livestream bán hàng nói riêng, nhất là các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, trốn thuế, gian lận thuế,...

Thủ tướng giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: thành phố Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh mở rộng việc triển khai thí điểm đối với hồ sơ sức khỏe điện tử; thu thuế khoán hộ kinh doanh cá thể và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7/2024.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện, hoàn thành trong tháng 7/2024.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện.

Chủ trì, phối hợp Bộ Công an nghiên cứu, rà soát sửa đổi Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 theo hướng bổ sung nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, hoàn thành trong tháng 9/2024…

Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng giao khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội và quy định liên quan, khẩn trương rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án phân bổ đối với các khoản chi của ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ cho các bộ, cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đẩy mạnh công tác quản lý thuế, tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế theo phương thức điện tử, triển khai các giải pháp về hóa đơn điện tử đối với hoạt động TMĐT, livestream bán hàng trên các nền tảng công nghệ số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng; đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, có giải pháp chia sẻ các dữ liệu hộ tịch, đặc biệt là dữ liệu khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cải chính hộ tịch cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao.

Phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL của ngành Tư pháp như CSDL hộ tịch điện tử, CSDL quốc tịch, CSDL lý lịch tư pháp, hoàn thành trong tháng 7/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024.

Thủ tướng giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phối hợp với cơ quan thuế, hỗ trợ về nhân lực và kinh phí triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, livestream bán hàng trên địa bàn; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để quản lý lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tap-trung-thao-go-diem-nghen-trien-khai-de-an-06-154909.html
Zalo