Tập trung sản xuất lúa xuân trong khung thời vụ
Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, trên khắp các địa phương trong tỉnh, nông dân khẩn trương ra đồng sản xuất vụ xuân. Việc bảo đảm khung thời vụ là yếu tố quan trọng giúp cây lúa phát triển tốt, hạn chế rủi ro do điều kiện thời tiết bất lợi.
![Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên gieo cấy lúa xuân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_608_51476438/b54e429170df9981c0ce.jpg)
Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên gieo cấy lúa xuân.
Những ngày này, ngay từ sáng sớm, nông dân các địa phương đã xuống đồng sản xuất đầu năm. Tiếng máy cày, tiếng nói râm ran giữa đồng ruộng hòa vào gió xuân, tạo nên bức tranh lao động đầy sức sống. Tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, không khí sản xuất diễn ra rất khẩn trương.
Chị Nguyễn Thị Sen, thôn Linh Đức cho biết: "Gia đình tôi đã chủ động gieo mạ sớm và che chắn cẩn thận, nên khi thời tiết ấm lên là tiến hành cấy ngay. Hiện nay, tôi đang hoàn tất nốt diện tích còn lại để kịp thời vụ". Cùng chung tinh thần khẩn trương, bà Trần Thị Hoa - một nông dân khác trong xã chia sẻ: "Chúng tôi ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chống chịu tốt với sâu bệnh để bảo đảm năng suất. Sau tết, tranh thủ trời ấm, gia đình tôi đã gieo cấy toàn bộ diện tích 4 sào ruộng".
Để bảo đảm sản xuất đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con lựa chọn giống phù hợp với điều kiện thời tiết và diễn biến thị trường; đồng thời, tập trung nguồn lực để hoàn thành gieo cấy đúng khung thời vụ. Bên cạnh đó, để né rét cho lúa xuân, các địa phương cần hạn chế tối đa trà xuân sớm, mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ sâu, bệnh gây hại và có giải pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ trên mạ. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, các địa phương tích cực chỉ đạo việc triển khai các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng "một giống”, liên kết sản xuất hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao.
Theo ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, các địa phương đã gieo cấy được 9.078,4 ha lúa, đạt 48,29% kế hoạch. Dù đầu vụ có những đợt rét đậm, rét hại, nhưng nhờ triển khai tốt các biện pháp kỹ thuật, diện tích lúa cấy và mạ gieo đều phát triển ổn định. "Trước dự báo về những đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối, băng giá có thể kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp ứng phó. Bà con được khuyến cáo không gieo mạ, cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 13oC.
Bên cạnh đó, các biện pháp như che phủ nilon cho mạ, giữ độ dày lớp bùn trong ruộng, bón phân hữu cơ hoai mục và bón thúc sớm khi trời ấm lên đều được đẩy mạnh. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động chuẩn bị lượng giống dự phòng nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra thiệt hại”- ông Phạm Đình Vinh nhấn mạnh.
Hiện tại, trên các cánh đồng, bà con đang tập trung chăm sóc diện tích lúa mới cấy để cây lúa bén rễ nhanh, phát triển tốt. Khi thời tiết thuận lợi, các biện pháp như bón thúc sớm bằng phân hữu cơ hoai mục và phân đạm cũng được triển khai nhằm kích thích lúa đẻ nhánh khỏe. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ ngành nông nghiệp, sự chủ động của chính quyền địa phương và tinh thần lao động hăng say của nông dân, vụ lúa xuân năm nay hứa hẹn sẽ thắng lợi, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người dân.
Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy trên 18.800 ha lúa; trong đó, lúa lai chiếm khoảng 55% diện tích với các giống phổ biến như: Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, Phúc thái 168, QL301...; lúa thuần chiếm khoảng 45% diện tích, bao gồm các giống: Hương chiêm, Séng cù, TBR225...