Tập trung phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả

Thực hiện Đề án (ĐA) thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là ĐA), thời gian qua, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tập trung hướng dẫn nông dân (ND) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả như sầu riêng, mít, bưởi, chanh,... Bước đầu, các loại cây ăn quả này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Diện tích cây ăn quả tăng nhanh

Huyện Tân Thạnh là 1 trong 6 địa phương được tỉnh chọn thực hiện ĐA nhằm từng bước nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho ND. Mục tiêu của ĐA đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả khoảng 10.500ha, trong đó diện tích vùng nguyên liệu mít hơn 3.500ha, xoài hơn 700ha, sầu riêng hơn 340ha và các diện tích còn lại trồng các loại cây ăn quả khác (bưởi, chuối, mãng cầu,...).

Theo ĐA, huyện Tân Thạnh được giao chỉ tiêu xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 3.500ha vào năm 2025. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, ngoài cây lúa, hiện toàn huyện có hơn 2.600ha cây lâu năm. Trong đó, diện tích các loại cây ăn quả như sầu riêng, mít, bưởi, chanh,... là 2.219ha. Hầu hết các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng lúa trên cùng diện tích canh tác, đặc biệt là sầu riêng và mít.

Toàn huyện Tân Thạnh hiện có hơn 287ha sầu riêng (ảnh: Chí Tâm)

Toàn huyện Tân Thạnh hiện có hơn 287ha sầu riêng (ảnh: Chí Tâm)

Cụ thể, sầu riêng đạt năng suất trung bình khoảng 20 tấn/ha/năm, giá bán từ 70.000-120.000 đồng/kg, ND thu lãi hơn 700 triệu đồng/ha/năm; mít đạt năng suất trung bình khoảng 30 tấn/ha/năm, giá bán từ 10.000-20.000 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Xã Tân Lập được huyện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, với diện tích khoảng 600ha. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa cho biết, hiện nay, xã có hơn 400ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 200ha sầu riêng, tập trung tại ấp Bằng Lăng và Trương Công Ý. Xã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho 26,5ha sầu riêng với 9 hộ tham gia, sản lượng gần 160 tấn/năm. Đây là tín hiệu tích cực giúp ND an tâm sản xuất, không còn lo về vấn đề đầu ra của sầu riêng.

Bà Đỗ Thị Bay (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) là một trong những ND tiên phong chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở địa phương. Bà Bay cho biết, qua 6 năm chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sầu riêng trên diện tích gần 5ha giúp bà thu về gần 3 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, bà còn lợi nhuận gần 2 tỉ đồng/năm. Gia đình bà cùng một số hộ xung quanh đã xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tiếp tục mở rộng

Ông Hoàng Thanh Lập (ấp Cây Sao, xã Tân Lập) chia sẻ: “Xã đầu tư trạm bơm điện, đê bao khép kín giúp ND an tâm chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1ha sầu riêng 5 năm tuổi trở lên cho thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Vì vậy, thời gian tới, nhiều ND sẽ chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả”.

Để thực hiện hiệu quả ĐA, huyện phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện triển khai tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho ND áp dụng vào sản xuất. Cụ thể như lắp đặt các hệ thống phun tưới tự động theo công nghệ mới, áp dụng công nghệ sinh học, trồng cây trong nhà màng nhà lưới, sử dụng túi để bao trái, sản xuất theo hướng hữu cơ,... Từ đó, từng bước cho ra sản phẩm an toàn, hướng tới xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện tại, nhiều hộ dân của huyện áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP trên các loại cây ăn quả như sầu riêng, bưởi,...

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Đoàn thông tin: Thực hiện ĐA, huyện được hỗ trợ nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến trái cây. Điển hình như Sở Công Thương hỗ trợ 1 máy sấy trái cây cho Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất - Thương mại Hoàng Anh với kinh phí hơn 700 triệu đồng; thực hiện 2 mô hình Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên cây ăn quả, quy mô 0,5ha/mô hình, nhằm trình diễn ứng dụng biện pháp tưới tiên tiến, cung cấp đủ và kịp thời nhu cầu nước cho cây ăn trái, đặc biệt là trong mùa khô tại xã Tân Lập và xã Nhơn Hòa Lập.

“Với lợi thế có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và hệ thống đê bao, trạm bơm điện khép kín thích hợp trồng các loại cây ăn quả, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho ND” - ông Nguyễn Văn Đoàn thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-phat-trien-vung-nguyen-lieu-cay-an-qua-a186274.html
Zalo