Tập trung đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Binh chủng Hóa học
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia được xem là một trong bốn nghị quyết trụ cột đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ. Điều này cho thấy KHCN, ĐMST và CĐS ngày càng giữ vai trò then chốt trong mọi lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền, Tư lệnh Binh chủng Hóa học về việc triển khai nhiệm vụ này tại đơn vị.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tư lệnh, trong lĩnh vực đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, Binh chủng Hóa học đã xác định quan điểm, chủ trương về nhiệm vụ này như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền: Triển khai thực hiện Nghị quyết 3488-NQ/QUTW ngày 29-1-2025 của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Binh chủng Hóa học đã xác định rõ: Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là đột phá chiến lược, là động lực then chốt, là nền tảng để nâng cao tiềm lực tổng thể của Binh chủng về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện mới, hiện đại, đa dạng và phức tạp.
Với vai trò làm nòng cốt về bảo đảm phòng hóa cho lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; ứng phó sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân (CBRN) và sự cố môi trường; khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, Binh chủng Hóa học không thể đứng ngoài làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ. Việc đẩy mạnh KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà còn góp phần xây dựng Binh chủng Hóa học theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiện đại”, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền, Tư lệnh Binh chủng Hóa học kiểm tra công tác ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại Nhà máy X61 (Binh chủng Hóa học).
PV: Việc triển khai những giải pháp trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS ở Binh chủng đã đạt được kết quả ra sao, thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền: Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trước hết là xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo thống nhất từ Binh chủng đến các cơ quan, đơn vị. Từ đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, từ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đến ứng phó sự cố CBRN, khắc phục hậu quả chất độc sau chiến tranh và hiện đại hóa trang bị kỹ thuật phòng hóa.
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Nghiên cứu, sản xuất thành công thiết bị đo phóng xạ đa năng; các bộ test nhanh độc tố - vi sinh; các loại chất tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng thế hệ mới, thân thiện môi trường; hệ thống giám sát, cảnh báo, tính toán sự cố phóng xạ, hóa học; thiết bị trinh sát, giám sát phóng xạ, hóa học môi trường… Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), học máy (ML), học sâu (DL) để tự động hóa quy trình đo lường, phân tích, dự báo, giảm tối đa sự can thiệp thủ công, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian tác nghiệp.
Đáng chú ý, việc phát triển các phần mềm chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung đã giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, tăng tính kết nối giữa các đơn vị, đồng thời bảo đảm an toàn thông tin, giảm thiểu thủ tục hành chính và từng bước hướng tới hoàn thiện Chính phủ điện tử trong Binh chủng.
PV: Thưa đồng chí Tư lệnh, đâu là những trọng điểm được Binh chủng quan tâm đầu tư, phát triển về KHCN, ĐMST và CĐS?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền: Chúng tôi tập trung đầu tư vào hai trụ cột chính: Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Về hạ tầng, Binh chủng đã và đang đầu tư trang bị, nâng cấp phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), công nghệ, thiết bị xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh và xử lý chất thải độc hại. Một số công nghệ số hiện đại bước đầu được đưa vào ứng dụng trong giám sát, cảnh báo, chỉ huy, điều hành ứng phó, khắc phục các tình huống CBRN và sự cố môi trường. Đây là nền tảng ban đầu cho quá trình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực chuyên ngành, góp phần nâng cao tính chủ động, độ chính xác và hiệu quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa CBRN và sự cố môi trường.
Về nhân lực, mặc dù là một Binh chủng kỹ thuật, có sẵn nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ luôn được chú trọng, có chiến lược lâu dài, tổng quát; bao gồm đào tạo chuyên gia đầu ngành theo lĩnh vực chuyên môn và đào tạo, bồi dưỡng cơ bản để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có kỹ năng số, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành, làm chủ được trang bị khí tài hiện đại, từng bước thích ứng với môi trường số toàn diện. Bên cạnh đào tạo trong Quân đội, trong nước, Binh chủng cũng cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở các học viện, nhà trường, tổ chức quốc tế có uy tín, chất lượng cao. Đồng thời, Binh chủng đang nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực KHCN và công nghệ thông tin.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền, Tư lệnh Binh chủng Hóa học kiểm tra công tác ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại Nhà máy X61 (Binh chủng Hóa học).
PV: Phương hướng phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thời gian tới của Binh chủng như thế nào, thưa đồng chí Tư lệnh?
Thiếu tướng Nguyễn Đình Hiền: Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định; nguy cơ sử dụng, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tác nhân CBRN tăng cao. Trong nước, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra nhiều thách thức mới, làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố CBRN, sự cố môi trường độc hại; chất độc hóa học sau chiến tranh vẫn còn tồn lưu ở một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội… Những thách thức trên đòi hỏi Binh chủng Hóa học phải chủ động thích ứng, nâng cao năng lực toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển KHCN, ĐMST và CĐS theo hướng thực chất, bền vững và tự chủ.
Đảng ủy Binh chủng Hóa học đã thành lập Ban Chỉ đạo về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, đồng thời xây dựng, ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Trong đó, trọng tâm là thực hiện một số nhóm giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn Binh chủng về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch của Đảng ủy Binh chủng theo từng giai đoạn, đề ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể, rõ ràng và biện pháp triển khai thực hiện phải đồng bộ, hiệu quả, sát thực tiễn. Trong đó, cần xác định đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là ưu tiên hàng đầu, mang tính chiến lược, là nền tảng để hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực của từng đơn vị nói riêng, Binh chủng nói chung. Xây dựng, phát động các phong trào thi đua, học tập trên nền tảng số nhằm phổ cập, nâng cao kiến thức về KHCN, ĐMST và CĐS; triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn Binh chủng.
Hai là, tăng cường nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa trang bị, làm chủ công nghệ lõi, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong Binh chủng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến trong cải tiến, sản xuất, hiện đại hóa trang bị phòng hóa theo hướng tăng tính năng, tăng độ chính xác, phù hợp với thời tiết, môi trường hoạt động và điều kiện của đất nước; có hàm lượng KHCN phù hợp, dễ sử dụng, thuận tiện trong bảo dưỡng, sửa chữa. Đẩy mạnh khai thác, ứng dụng làm chủ các công nghệ mới, công nghệ lõi, hướng tới thiết kế, chế tạo khí tài đặc chủng tích hợp công nghệ cao. Tăng cường nghiên cứu phát triển các hệ thống tự động hóa chỉ huy và giám sát thông minh, đáp ứng yêu cầu tác chiến, ứng phó sự cố trong môi trường đa dạng và phức tạp. Chủ động tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng tăng cường đầu tư chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nghiên cứu sản xuất trong nước.
Ba là, đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho nghiên cứu KHCN, ĐMST và CĐS trong Binh chủng. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu KHCN; tiếp tục hiện đại hóa các phòng thí nghiệm chuyên dụng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn Binh chủng, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo CBRN tự động, phục vụ nhiệm vụ giám sát, ứng phó kịp thời sự cố, thảm họa. Nghiên cứu xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu, Trung tâm huấn luyện thông minh nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Hoàn thiện hạ tầng số theo hướng hiện đại, cơ động; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Binh chủng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…
Bốn là, phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong Binh chủng. Trong đó, cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn thì công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng nâng cao về chất lượng, đồng bộ và cân đối giữa các chuyên ngành cũng được coi trọng. Binh chủng sẽ nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy tối đa năng lực đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong và ngoài Binh chủng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tư lệnh!
NGUYỄN TUẤN (thực hiện)