Lộ diện UAV cảm tử thông minh thế hệ mới của Ukraine
Tại triển lãm quốc phòng LANDEURO tổ chức ở Wiesbaden (Đức) hôm 16.7, tập đoàn OCTAVA Defence của Ukraine chính thức ra mắt hệ thống tác chiến mặt đất không người lái Flycat.
Đây được xem là một trong những dấu mốc đáng chú ý nhất trong sự phát triển của UAV cảm tử thế hệ mới, vốn đang trở thành thành phần không thể thiếu trong các học thuyết tác chiến hiện đại.
Theo Army Recognition, Flycat là kết quả của quá trình nghiên cứu sâu sát thực tiễn chiến trường, đặc biệt là các bài học từ chiến sự Ukraine. Khả năng hoạt động tự động, không phụ thuộc định vị vệ tinh và thiết kế khí động học cải tiến đã giúp Flycat vượt qua các giới hạn cố hữu của các dòng UAV cảm tử trước đó.

Flycat ra mắt tại LANDEURO 2025 - Ảnh: Army Recognition
Công nghệ của Flycat
Flycat được thiết kế như một tên lửa không người lái, mang hình dáng thuôn dài với cánh chữ X đặc trưng. Thiết bị có khả năng tự bay lảng vảng, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu mặt đất một cách độc lập, không cần kết nối vệ tinh, điểm yếu chí mạng của nhiều UAV hiện nay khi đối mặt với môi trường chiến tranh điện tử mạnh.
Được trang bị động cơ điện giúp bay êm và khó bị phát hiện, Flycat có thời gian hoạt động lên đến 40 phút với tầm xa khoảng 40km. Trọng lượng đầu đạn tùy chọn từ 2,5 - 3,6kg, có thể sử dụng các loại đầu nổ nhiệt áp, xuyên lõm hoặc phá mảnh. Hệ thống sử dụng bệ phóng khí nén, có thể triển khai nhanh chỉ trong vòng 20 phút, phù hợp với các đơn vị tác chiến cơ động trên tiền tuyến.
Khác với nhiều UAV dạng cánh cố định thông thường, cấu trúc cánh chữ X của Flycat giúp tăng độ linh hoạt khi điều hướng, giữ ổn định trong môi trường chiến đấu phức tạp như đô thị hoặc khu vực có nhiều chướng ngại vật.
Một trong những đột phá quan trọng nhất của Flycat là khả năng vận hành hoàn toàn không phụ thuộc hệ thống định vị toàn cầu GPS. Trong điều kiện mà các hệ thống UAV truyền thống như Harpy (Israel) hay Lancet (Nga) thường bị chế áp hoặc làm nhiễu dẫn đến mất kiểm soát, Flycat được tích hợp mô đun định hướng thông minh và truyền dẫn tín hiệu an toàn.
Điều này cho phép nó hoạt động hiệu quả trong môi trường có xung đột điện từ cao, nơi UAV thông thường dễ bị hạ hoặc bị vô hiệu hóa. Việc đảm bảo khả năng tự định hướng giúp Flycat trở thành lựa chọn lý tưởng cho chiến trường bị tranh chấp hoặc đối đầu với các đối thủ có năng lực tác chiến điện tử mạnh.
Linh hoạt về tác chiến
Không chỉ là vũ khí cảm tử thông thường, Flycat còn được thiết kế để tham gia vào hệ thống tác chiến mạng lưới (network-centric warfare). Nhờ khả năng nhận dạng mục tiêu tự động, loại UAV này có thể tích hợp vào hệ thống cảm biến chỉ huy, điều khiển trên mặt đất, hoạt động như một mắt xích trong chuỗi truy vết và tiêu diệt mục tiêu tốc độ cao.
So với các hệ thống như Switchblade (Mỹ), Flycat nổi bật ở tốc độ chuẩn bị chiến đấu nhanh, tùy chọn đầu đạn linh hoạt và thiết kế điện hóa phù hợp với xu thế bền vững trong chiến tranh hiện đại. Điều này cho phép lực lượng sử dụng điều chỉnh cấu hình theo từng nhiệm vụ từ tấn công điểm, tiêu diệt mục tiêu cố định đến hỗ trợ phá tuyến phòng thủ.
Ngoài ra, Flycat nâng cao khả năng phản ứng linh hoạt ở những khu vực đường biên giới dễ bị tập kích. Việc kết hợp khả năng tự định hướng với tấn công chính xác giúp giảm thiểu thương vong cho lực lượng mặt đất, đồng thời nâng cao hiệu quả tác chiến phi đối xứng.