Số phận 400.000 xe xăng của tài xế công nghệ TP.HCM sau chuyển đổi

Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đề xuất phân loại 400.000 xe xăng sắp bị 'khai tử' theo độ cũ mới. Trong đó, xe quá cũ đem đi tái chế, xe còn tốt chuyển về vùng nông thôn.

 TP.HCM đặt mục tiêu cấm xe xăng trong hoạt động giao hàng, chở khách công nghệ từ năm 2029. Ảnh: S.T.

TP.HCM đặt mục tiêu cấm xe xăng trong hoạt động giao hàng, chở khách công nghệ từ năm 2029. Ảnh: S.T.

Đây là thông tin được ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra vào chiều 17/7.

Ông Hải cho biết Viện đã hoàn chỉnh dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" và sẵn sàng trình UBND TP phê duyệt.

Từ giữa tháng 6, địa phương cũng đã tổ chức các hội thảo với sự tham gia của nhà sản xuất xe điện, ngân hàng, công ty đầu tư trạm sạc và doanh nghiệp công nghệ để chuẩn bị hệ sinh thái xe điện toàn diện.

Theo đề án, hiện TP.HCM có khoảng 400.000 shipper và tài xế công nghệ. Nếu đề án được thông qua, từ nay đến hết năm 2027, TP sẽ hoàn tất chuyển đổi 80% tài xế công nghệ sang sử dụng xe điện. 20% còn lại sẽ được chuyển đổi trong năm 2028. Từ năm 2029, xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM.

Điều này đặt ra câu hỏi: 400.000 xe xăng hiện nay sẽ đi về đâu?

Trả lời vấn đề trên, ông Hải cho rằng cần phân loại phương tiện theo tình trạng sử dụng. Với những xe quá cũ, việc kiểm định khí thải sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí kiểm định và sửa chữa để đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông khá cao.

Theo ông, việc tiếp tục sử dụng và kiểm định định kỳ với nhóm xe này là "không có lợi". Do đó, Viện khuyến khích nên đưa các xe này đi làm phế thải, tái chế thành kim loại hoặc các vật liệu khác.

Ông cũng cho biết hiện một số doanh nghiệp đã triển khai chương trình thu mua xe cũ đổi xe mới và tái chế chúng thành nguyên liệu thô.

Đối với xe xăng còn tương đối tốt (có thể dùng thêm vài năm), những xe này có thể di chuyển về các địa phương khác như vùng nông thôn, nơi quy định về kiểm định khí thải chưa nghiêm ngặt như tại TP.HCM và Hà Nội.

"Mặc dù việc này có thể được nhìn nhận là đẩy phát thải từ đô thị về nông thôn, đây là điều không tốt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các khu vực đô thị đang chịu mức độ ô nhiễm cao gây ra các bệnh hô hấp, trong khi các khu vực nông thôn còn sức chịu đựng ô nhiễm trong vài năm tới", ông giải thích thêm.

Với nhóm xe xăng mới sản xuất trong khoảng 2–3 năm gần đây, ông Hải dự báo khi xe điện dần phổ biến, thị trường xe máy xăng cũ sẽ giảm giá, khiến các xe cũ trở nên hấp dẫn hơn về giá bán.

"Điều này sẽ đẩy xe xăng mới sản xuất ra khỏi thị trường. Có nghĩa là người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua xe cũ 2-3 năm với giá hấp dẫn hơn thay vì mua xe mới 100%.

Đây là một cơ chế thị trường tự nhiên, buộc các nhà sản xuất xe máy xăng phải nhận thức được và ngừng sản xuất, bán ra cũng như ngừng đầu tư quảng cáo. Đây là quá trình dịch chuyển của thị trường và người tiêu dùng", ông Hải nói thêm.

Cũng theo ông Hải, trong trường hợp số xe máy xăng này được những người dân khác mua lại để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày - với ước tính mức độ sử dụng chỉ bằng 1/3 đến 1/4 tài xế công nghệ, giao hàng, thì lượng phát thải ở thành phố nhìn chung cũng sụt giảm.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/so-phan-400000-xe-xang-cua-tai-xe-cong-nghe-tphcm-sau-chuyen-doi-post1569452.html
Zalo