Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, dự án trọng điểm
Chiều nay 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chủ trì hội nghị gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.416 doanh nghiệp. Qua khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 6.830 chỗ làm việc, tập trung nhiều ở khu vực may mặc, xây dựng. Nhu cầu nhân lực trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo cần hàng chục nghìn chỗ làm việc.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII là giai đoạn 2020-2025 bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 12.000 lao động và giai đoạn 2025 - 2030 trên 12.500 lao động; nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển KT - XH, QP-AN, vấn đề đào tạo, lao động - việc làm luôn được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Tuy nhiên, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Hội nghị được nghe tham luận của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp về thực trạng và giải pháp công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; kết quả và phương án thực hiện thí điểm đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc; giải pháp nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, chia sẻ thông tin, dự báo nhu cầu lao động góp phần định hướng đào tạo, đào tạo lại đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp; giải pháp tăng khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp sau đào tạo; đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. Vì vậy cần tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong giai đoạn tiếp theo, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Rà soát và quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đa dạng về loại hình đào tạo và trình độ đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực, dự án trọng điểm đang và sẽ đầu tư vào tỉnh như: công nghệ thông tin, cơ khí - ô tô, tự động hóa, cơ điện tử, điện - điện tử, logistics, du lịch, xây dựng...
Định kỳ từ 2 - 3 năm phải thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, định hướng tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.Triển khai có hiệu quả các giải pháp kết nối cung- cầu lao động.
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 1967/KH-UBND ngày 8/5/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quan tâm hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động tại các doanh nghiệp, nhất là nhóm lao động chưa có bằng cấp thông qua việc triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chính sách về công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.