Tập luyện có tác dụng gì với người bệnh lao kê?

Mặc dù lao kê là bệnh lý nghiêm trọng và cần được điều trị bằng thuốc, nhưng việc duy trì một chế độ tập luyện hợp lý, sẽ giúp nâng cao sức khỏe chung và hỗ trợ quá trình hồi phục của người bệnh.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh lao

Bệnh lao kê là một thể lao toàn thân nghiêm trọng, xảy ra khi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) tràn vào đường máu và hình thành các tổn thương nhỏ giống hạt kê ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ em, người già hoặc người nhiễm HIV/AIDS.

Triệu chứng của lao kê thường không đặc hiệu, bao gồm sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân, ho dai dẳng, khó thở và đổ mồ hôi ban đêm. Ở một số trường hợp, bệnh có thể gây tổn thương gan, lách, tủy xương hoặc màng não, dẫn đến các biểu hiện lâm sàng phức tạp hơn.

Chẩn đoán lao kê cần có sự kết hợp giữa lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. X-quang phổi thường cho thấy các nốt mờ nhỏ rải rác. Xét nghiệm như nuôi cấy vi khuẩn lao hoặc PCR cũng rất cần thiết để xác định tác nhân gây bệnh.

Điều trị lao kê chủ yếu dựa vào phác đồ kháng lao với thời gian kéo dài từ 6-12 tháng, tùy thuộc vào mức độ nặng và đáp ứng của bệnh nhân. Việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này.

Hình ảnh tổn thương phổi ở bệnh nhân lao kê.

Hình ảnh tổn thương phổi ở bệnh nhân lao kê.

Bệnh lao làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng và gặp khó khăn trong việc chống lại bệnh tật. Một trong những lợi ích chính của tập luyện đối với bệnh nhân lao kê là tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tập luyện thể dục, đặc biệt là các bài tập nhẹ nhàng như các bài tập thở, có thể giúp tăng cường chức năng tim mạch và hô hấp, cải thiện khả năng vận động của cơ thể, đồng thời giảm căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, tập luyện giúp cải thiện chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng bởi lao kê, như phổi, gan và thận; giúp các cơ quan này có thể làm việc hiệu quả hơn trong việc loại bỏ độc tố, tăng cường sự phục hồi. Tập luyện cũng giúp người bệnh duy trì trọng lượng cơ thể ổn định, giảm thiểu tình trạng sụt cân quá mức, vốn là vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh lao.

Biết cách lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân và không gây quá tải cho cơ thể, việc tập luyện sẽ giúp người bệnh lao kê phục hồi nhanh chóng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Các bài tập cho người bệnh lao kê

2.1. Bài tập thở sâu

- Cách thực hiện:

+ Ngồi thẳng hoặc nằm trên một bề mặt phẳng, thả lỏng chân tay và toàn bộ cơ thể.

+ Hít vào sâu bằng mũi trong 4-5 giây, giữ hơi thở trong 2-3 giây.

+ Thở ra từ từ qua miệng trong khoảng 5-6 giây.

+ Lặp lại bài tập này từ 5 đến 10 phút mỗi ngày.

- Tác dụng: Bài tập này giúp tăng khả năng trao đổi khí ở phổi, hỗ trợ sự phục hồi của các tế bào phổi bị tổn thương, cải thiện chức năng miễn dịch (điều này rất quan trọng trong quá trình điều trị lao kê); đồng thời, cơ thể được kích thích để sử dụng oxy hiệu quả hơn. Việc thở sâu giúp cải thiện khả năng hấp thụ và sử dụng oxy, giảm cảm giác khó thở, mệt mỏi cho người bệnh.

Tư thế con thuyền kích thích các cơ quan nội tạng (ảnh minh họa).

Tư thế con thuyền kích thích các cơ quan nội tạng (ảnh minh họa).

2.2. Tư thế con thuyền (Navasana)

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng.

+ Cong đầu gối, nâng chân lên sao cho cẳng chân song song với sàn; đưa tay về phía trước, song song với sàn.

+ Giữ lưng thẳng và duy trì tư thế này trong 30 giây đến 1 phút.

- Tác dụng: Tư thế này giúp kích thích các cơ quan nội tạng, bao gồm gan, thận, tuyến tụy, hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa và quá trình trao đổi chất. Việc kích thích sự hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ làm giảm tình trạng sụt cân quá mức, một triệu chứng phổ biến trong bệnh lao kê; đồng thời có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ độc tố bao gồm cả vi khuẩn lao và các chất thải từ thuốc điều trị, làm giảm bớt gánh nặng cho gan, thận thông qua quá trình lưu thông máu và cải thiện chức năng các cơ quan.

2.3. Bài tập co giãn cơ ngực

- Cách thực hiện:

+ Đứng hoặc ngồi thẳng lưng. Đặt tay lên hông, hít sâu qua mũi, đồng thời mở rộng lồng ngực và đẩy vai ra sau.

+ Giữ trong 3-5 giây rồi thở ra chậm qua miệng, thả lỏng vai.

+ Lặp lại 8-10 lần.

- Tác dụng: Bài tập co giãn cơ ngực giúp kéo giãn các cơ và mô mềm quanh lồng ngực, mở rộng không gian trong khoang ngực. Điều này hỗ trợ phổi có nhiều không gian hơn để giãn nở và cải thiện khả năng tiếp nhận oxy, rất quan trọng đối với người bệnh lao kê.

Tư thế chó úp mặt giúp phổi giãn nở (ảnh minh họa).

Tư thế chó úp mặt giúp phổi giãn nở (ảnh minh họa).

2.4. Tư thế chó úp mặt

- Cách thực hiện:

+ Bắt đầu ở tư thế bốn chân, đặt tay và đầu gối lên sàn.

+ Đẩy hông lên và ra sau, duỗi thẳng chân và tay, tạo thành hình chữ V ngược.

+ Giữ tư thế này trong 1-3 phút, hít thở đều.

- Tác dụng:Khi thực hiện tư thế này, cơ thể sẽ duỗi dài và mở rộng, giúp phổi giãn nở, từ đó hỗ trợ quá trình hít thở sâu và cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể. Tư thế chó úp mặt là một tư thế mạnh mẽ, giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ chân, cơ tay, lưng và bụng. Bằng cách thực hiện tư thế này, người bệnh lao kê có thể cải thiện thể lực, sức bền và giảm mệt mỏi.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Người bệnh cần chú ý lắng nghe cơ thể trong suốt quá trình tập luyện. Nếu cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần dừng ngay lập tức và nghỉ ngơi. Tập luyện không nên gây đau đớn hay căng thẳng quá mức.

- Tập luyện quá sức có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ bắp, căng thẳng quá mức và thậm chí làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị lao kê. Hãy tập từ từ với cường độ vừa phải và nghỉ ngơi đầy đủ giữa các buổi tập.

- Nếu người bệnh lao kê đang trong giai đoạn nặng của bệnh, đang sốt hoặc có các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho nhiều, mệt mỏi quá mức, thì không nên tập luyện. Lúc này, cơ thể cần được nghỉ ngơi hoàn toàn để tập trung vào việc phục hồi và chống lại bệnh tật. Tập thể dục trong thời gian này có thể làm giảm khả năng phục hồi và tăng nguy cơ các biến chứng.

- Thời gian tập luyện phụ thuộc vào sức khỏe của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, một số thời điểm tập luyện tốt cho người bệnh lao kê có thể bao gồm: Buổi sáng sau khi ngủ dậy, hoặc buổi chiều (4-6h chiều). Tránh tập vào các buổi tối muộn, có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Sau khi hoàn thành bài tập, nên dành vài phút để thư giãn, thở sâu và giãn cơ để giúp cơ thể phục hồi và giảm căng thẳng.

BSNT. Phan Bích Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tap-luyen-co-tac-dung-gi-voi-nguoi-benh-lao-ke-169250114165908373.htm
Zalo