Tập luyện bổ phế ích khí bảo vệ phổi, phòng tránh cúm
Phương pháp tập luyện, xoa bóp bổ phế ích khí giúp bảo vệ sức khỏe phòng tránh cảm cúm và bệnh đường hô hấp.
Mùa xuân thời tiết nóng lạnh thất thường khiến hệ miễn dịch suy yếu, rất dễ mắc bệnh cảm cúm, bệnh về đường hô hấp trên… Do đó, việc tăng cường khả năng chống chọi lại các ngoại tà đối với cơ thể trở nên rất quan trọng.
Xoa bóp phòng chữa đau đầu, cảm cúm
Tự tập xoa bóp là phương pháp dùng hai bàn tay của chính mình xoa xát, day ấn vào các vùng, huyệt vị thích hợp trên cơ thể nhằm đạt mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Phương pháp này có tác dụng bổ ích phế thận, ích khí phòng phong, có tác dụng trị liệu rất tốt đối với các bệnh đau đầu, tắc mũi, sổ mũi, hắt hơi, ho do cảm cúm gây ra.
Dùng ngón tay day các huyệt nghinh xuân, ấn đường, thái dương, phong trì trong 1 phút. Dùng đầu hai ngón tay trỏ hoặc đầu hai ngón tay giữa, lần lượt day vào huyệt nghinh xuân ở hai bên sống mũi, làm cho có cảm giác tức mỏi tại chỗ là được.

Tập luyện bổ phế ích khí bảo vệ phổi, phòng tránh cúm - Ảnh BSCC
Dùng mặt có vân tay của một ngón tay cái áp vào giữa lông mày day huyệt ấn đường 1 phút. Dùng đầu hai ngón tay trỏ lần lượt day ấn vào hai huyệt thái dương ở hai chỗ hõm giữa đuôi lông mày và góc mắt ngoài lùi về phía sau khoảng một tấc, cứ thế day ấn, thấy tức mỏi thì thôi. Dùng hai đầu ngón tay cái lần lượt day ấn vào huyệt phong trì ở hai bên sau gáy, khi day ấn hơi có cảm giác đau tức tại chỗ.
Nắm cổ 1 phút: Dùng ngón cái và hai ngón trỏ, giữa nắm chặt lấy gân cổ (cơ tà phương). Khi nắm, nắm từ trên xuống dưới, từ nhẹ đến mạnh, sao cho có cảm giác tức mỏi 1 chút thì dừng.
Đấm vào huyệt kiên tỉnh 20 lần: Ngồi hoặc đứng, nửa thân trên thẳng, một tay nắm lại thành quả đấm, đấm vào huyệt kiên tỉnh ở vai bên kia.
Dùng mặt có vân ở hai ngón tay cái xoa bóp một phút hai huyệt phong môn và phế du ở sau lưng, dùng đầu ngón tay giữa day ấn một phút huyệt thiện trung.
Dùng ngón cái và ngón trỏ đối xứng nhau bóp mạnh vào huyệt hợp cốc 1 phút, sao cho có cảm giác tức mỏi tại chỗ, tay phải và tay trái lần lượt thay đổi nhau thực hiện. Dùng mặt có vân của ngón cái bấm 1 phút vào huyệt thận du, huyệt túc tam lý.
Day huyệt dũng tuyền 30 lần: Dùng một mặt bên của bàn tay “tiểu ngư tế” áp sát vào gan bàn chân, xát nhanh và mạnh vào huyệt dũng tuyền ở mé bên kia, xát cho tới khi nóng bừng lên, thay đổi vị trí ở hai chân mà xát.

Tập luyện bổ phế ích khí bảo vệ phổi, phòng tránh cúm - Ảnh BSCC
Thải độc tăng cường chức năng giúp phổi khỏe mạnh
Để phổi và phế quản luôn khỏe mạnh, phòng tránh cúm, các bệnh lý đường hô hấp nói chung và phổi nói riêng, thực hiện các bài tập:
Thải độc khí trong phổi: Ngồi khoanh chân trên sàn, nội tâm yên tĩnh, hơi thở tự nhiên. Hai bàn tay chống xuống sàn, hít vào hơi gồng mình, co mình, khom lưng, thở ra thả lỏng toàn thân và trở về tư thế ban đầu. Thực hiện 10 – 15 lần.
Làm mạnh phổi: Ngồi thẳng, 2 chân duỗi thẳng song song về phía trước, 2 tay nắm lại để bên hông, chuẩn bị thực hiện động tác bơi cạn và xay lúa.
Động tác bơi cạn là khi thở ra nhoài người, 2 tay chắp lại, lao về phía trước, lúc hít vào 2 bàn tay quạt nước sang 2 bên vai, thực hiện nhiều lần.
Động tác xay lúa là thở ra nhoài người về phía trước, 2 bàn tay xoay tròn theo chiều kim đồng hồ theo mặt phẳng ngang, hít vào, thu về trước bụng. Làm tiếp theo ngược chiều kim đồng hồ, thực hiện nhiều lần.
Giãn phổi và phế nang: Người tập đứng thẳng, 2 chân bằng vai, 2 tay bắt chéo trước ngực. Khi hít vào, hai bàn tay đẩy lên như đẩy trời để mở rộng lồng ngực, làm như vậy sẽ hít được nhiều khí. Khi thở ra thì 2 tay, toàn thân thả lỏng, 2 tay thu về giữa ngực.
Hít tiếp hơi thở thứ 2, hai bàn tay đẩy sang 2 bên vai như đẩy 2 trái núi ra xa. Hơi thở này sẽ mở rộng đáy phổi và hệ thống phế nang để khí vào sâu hơn, lan tỏa khắp hệ thống phổi. Khi thở ra, gập người vuông góc với chân để thải hết trọc khí ra. Thực hiện 2 hơi thở 6 lần.
Để phổi luôn khỏe mạnh, không nên để cơ thể nhiễm lạnh, tránh tiếp xúc với môi trường không khí độc hại như hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá... Tránh buồn phiền, lo lắng.
Ngoài ra cần quan tâm đến chế độ ăn uống, sau khi ăn sáng uống 1 cốc nước trà xanh, trong ngày uống nước gạo rang thay nước uống.
Có thể chế biến món ăn giúp bổ phổi như sau: Chọn 1 con cá chép 3 lạng đến nửa cân, làm sạch. Rải 1 nắm trà xanh dưới đáy xoong. Đặt cá lên và rải lên 1 ít muối. Lấy nước tương ăn rải lên trên vừa đủ. Kho nhỏ lửa trên bếp như cá kho thường.
Trước khi ăn thì tưới vào 1 thìa dầu mè hoặc dầu lạc. Ăn 1 tuần 2 lần vào buổi chiều, ăn liền trong 3 tuần. Có thể ăn thêm hạt sen, mía, táo bưởi, lê.
BS.VS Nguyễn Văn Thắng (Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long)