Tập ký 'Trở về' của nhà văn Phạm Hồng Loan

'Chiếc xe chở di hài anh chầm chậm lăn bánh trở về quê hương giữa dòng người đưa tiễn đến tận cuối làng. Suốt hai chín năm qua, một phần thể xác anh đã hòa vào lòng đất thiêng Quảng Trị. Còn linh hồn anh vẫn sống mãi trong sự ấp iu, đùm bọc của những con người tràn đầy lòng nhân ái trên mảnh đất kiên cường này'. Những dòng văn chân thực, không màu mè, không tô vẽ được nhà văn Phạm Hồng Loan chia sẻ trong Tập ký 'Trở về'. Cuốn sách đã phần nào tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh và tình cảm sâu nặng của tác giả dành cho những người lính ra đi từ mái Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) năm xưa.

Nhà văn Phạm Hồng Loan và tập ký “Trở về”

Nhà văn Phạm Hồng Loan và tập ký “Trở về”

Nhà văn Phạm Hồng Loan, tên thật là Phạm Thị Hồng Loan, sinh năm 1962, là người con của quê quán Thịnh Long (Hải Hậu). Hiện bà là Trưởng Bộ môn Văn xuôi (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Tập ký “Trở về” tập hợp 29 bài viết, là những ghi chép của bà trong nhiều năm, được xuất bản năm 2020 (Nhà xuất bản Thanh Niên) và là cuốn sách thứ hai của bà được xuất bản.

Nhà văn Hồng Loan chia sẻ về tựa đề cuốn sách: “Trở về” là ước mong, là khát khao của tất cả những người dân Việt Nam trong chiến tranh và nhất là những người lính nơi chiến trường. Mọi gia đình đều khát khao chờ ngày đón người lính trở về từ chiến trường trong ngày chiến thắng. Nhưng không phải ước mơ ấy, khát vọng ấy gia đình nào, người lính nào cũng thực hiện được. Gia đình bà cũng là một trong những trường hợp đó.

Năm 1971, anh trai của bà vừa học xong lớp 7. Từng đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, anh được chọn vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Vào một ngày cuối năm, anh thông báo đã tình nguyện xung phong đi bộ đội trước sự bất ngờ của gia đình và bà con hàng xóm. Mặc mọi người khuyên nhủ, cũng như bao lứa thanh niên “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” lúc bấy giờ, anh đã khoác ba lô lên đường nhập ngũ với bao quyết tâm và sức trẻ. Tiếc thay, anh đã hy sinh và nằm lại chiến trường Quảng Trị. 29 năm sau, vào mùa hè năm 2001, gia đình và đồng đội mới tìm thấy và đưa anh trở về quê nhà. Trong cuốn sách, bà dành 2 bài viết về anh trai của mình là “Rưng rưng hương khói ngậm cười” và “Cỏ xanh non ơi xin chớ vô tình”. Chất chứa trong mỗi dòng văn là nỗi nhớ, niềm thương của em gái dành cho người anh trai không bao giờ trở về, nhưng cũng ánh lên niềm tự hào vì anh đã tỏa sáng sức sống kiên cường, hiến dâng cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Tập ký “Trở về” của nhà văn Phạm Hồng Loan được xuất bản năm 2020 và được Thư viện Quân đội chọn in, phát hành trong toàn lực lượng năm 2021

Tập ký “Trở về” của nhà văn Phạm Hồng Loan được xuất bản năm 2020 và được Thư viện Quân đội chọn in, phát hành trong toàn lực lượng năm 2021

Quá nửa số trang sách của mình, nhà văn Hồng Loan dành để ghi chép lại những câu chuyện của những nhân vật mà bà đã gặp và nghe kể về một thời mưa bom khốc liệt. Mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau. Mỗi người lính giữ một nhiệm vụ khác nhau trên các mặt trận nhưng tất cả đều mang trong mình ý chí sắt đá, kiên cường, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc. Đó là câu chuyện hào hùng, can trường, vượt mưa bom, bão đạn để chở từng chuyến hàng đến địa điểm tập kết an toàn của Anh hùng Lực lượng vũ trang Đỗ Văn Chiến, nguyên chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 101, Binh trạm 31, Đoàn 559. Dù trên đầu là quân địch đang nhòm ngó, dưới lòng đất là mưa bom, đạn lạc, dù bao khó khăn, gian khổ vây quanh, thương tích trong mình, nhưng người chiến sĩ lái xe ấy vẫn kiên cường, tiến thẳng về phía trước. Một niềm tin mãnh liệt cùng ý chí quyết tâm phải thắng được quân địch bằng mọi cách, để giành lại độc lập, để bù đắp cho những đồng đội của mình đã hy sinh. Rồi chính người chiến sĩ lái xe ấy, sau này, khi trả lời nhà báo Mỹ lại mộc mạc đến không ngờ: “Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng để đánh hết đường Trường Sơn đâu... để chiến thắng, chúng tôi tìm ra không phải một mà là nhiều quy luật để vượt lên bom đạn của các ông mà đi”. Chiến sĩ Đỗ Văn Chiến chính là một trong những người chiến binh quả cảm của Tiểu đội “xe không kính” trong “Tiểu đoàn Đại bàng xanh”, nguyên mẫu để nhà thơ Phạm Tiến Duật sau này khắc họa trong bài thơ nổi tiếng “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Hay câu chuyện của NSƯT Đức Miên - nguyên Trưởng Bộ môn Âm nhạc - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng hát cho một thương binh nghe trong khi anh phải phẫu thuật cưa chân nhưng thuốc tê không còn. “Nước mắt chợt ứa ra. Thương quá... Toàn ơi. Làm sao em chịu được sự đau đớn này. Anh sẽ hát, sẽ ngâm thơ cho em nghe. Anh sẽ đưa em đi trên những chặng đường hành quân “đâu có giặc là ta cứ đi””. Những đường dao phẫu bén ngọt lách vào từng thớ thịt. Người lính nghiến chặt răng. Mồ hôi vã ra... “Cố lên em. Em sẽ cùng anh “Đi ta đi giải phóng miền Nam khi quê hương nhà còn bóng quân xâm lược” rồi em sẽ được trở về với quê hương. Ngày thắng lợi sắp tới gần rồi... Không còn đau đớn, vật vã. Người lính thiếp đi trong những lời ca vang vọng mãi”. Đọc những dòng văn, ta như cảm nhận được nỗi đau xé da thịt, nhưng cũng khâm phục sức chịu đựng kiên cường của những người lính. Những lời ca, tiếng hát như tiếp thêm sức mạnh, nâng bước hành quân, cổ vũ động viên người lính mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn với niềm tin mãnh liệt rằng ngày thắng lợi sắp tới rồi. Bên cạnh đó còn là những câu chuyện đi tìm đồng đội, người thân đang nằm lại ở chiến trường xưa; khát khao cháy bỏng có thể đưa họ trở về nằm trong lòng đất Mẹ. Đan xen trong những câu chuyện của những người lính là bài viết “Người kết nối những trái tim”. Qua những dòng văn của mình, nhà văn đã gửi gắm những tình cảm, sự biết ơn đến các thành viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những thế hệ học sinh trường Lê ngày ấy cùng “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ và trở về sau chiến thắng, chưa từng quên những người bạn học, người đồng đội của mình đã hy sinh. Để mỗi năm, Câu lạc bộ vẫn tổ chức thăm hỏi gia đình các bạn học, thắp hương cho các bạn học đã hy sinh và tiếp tục lên đường tìm kiếm những người bạn học cũ, những người đồng đội còn nằm ở đâu đó trên mảnh đất này mà chưa được trở về quê hương.

Gấp lại những trang cuối của tập ký “Trở về”, ông Nguyễn Văn Nhượng, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nam Định chia sẻ: “Những nhân vật, những câu chuyện chị ghi lại đều không quá cầu kì, nó hết sức chân thật, chân thật đến tận độ tinh khiết của tâm hồn, đặc biệt là những trang viết về những anh hùng liệt sĩ, những lần đi tìm hài cốt đồng đội, người thân... Tất cả đã gây cho người đọc niềm xúc động vô bờ, khơi dậy niềm trân quý những giá trị thiêng liêng, vĩnh hằng; mở ra cái đẹp trong đời sống tâm linh, cái chất thiện cần gìn giữ, cái tình tâm giao giữa con người với con người, và cả thái độ sống với quá khứ”.

Mảng đề tài thứ hai mà nhà văn Hồng Loan dành nhiều thời gian để khắc họa trong cuốn sách là quê hương. Quê hương là nơi gắn bó với tuổi thơ của bà, những kỷ niệm một thời chăn trâu, cắt cỏ, nô đùa cùng chúng bạn. Những dòng văn tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng cả khung cảnh của làng quê xưa, những ngày tháng còn nằm trong vòng tay mẹ, nghe mẹ hát ru, lớn lên từ tình yêu thương vô bờ của gia đình để rồi mỗi chúng ta khi đọc những trang văn ấy phải thốt lên rằng “Dấu yêu ơi bao giờ trở lại”. Đan xen những trang văn còn là những bài viết ghi lại cảm xúc của nhà văn Hồng Loan mỗi khi đặt chân đến những vùng đất mới, để cảm nhận được “Cao nguyên đá vẫn rực sắc hồng” hay “Thoáng nét duyên Đà Lạt”.

Đọc hết tập ký “Trở về” ta thấy một ngòi bút nặng lòng với quá khứ, nặng lòng với quê hương và với những miền đất mà người viết đã đi qua. Năm 2021, tập ký “Trở về” của nhà văn Phạm Hồng Loan được Thư viện Quân đội chọn in 600 cuốn, phát hành trong lực lượng vũ trang toàn quốc.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/tap-ky-tro-ve-cua-nha-van-pham-hong-loan-9fe30c1/
Zalo