Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê năm 2024

Đây là hoạt động thường niên được tổ chức bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các địa phương về công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hội nghị năm 2024 đã thu hút sự tham gia của 560 đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương trên cả nước, bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sự góp mặt của Cục Quản lý đê điều, Phòng chống thiên tai và một số đơn vị liên quan, Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi), Ban Quản lý dự án đê điều, và lực lượng chuyên trách quản lý đê điều từ 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Long An, An Giang và đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị và tổ chức liên quan.

Hội nghị tập trung đánh giá tác động của trận lũ lớn do bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn, cùng các biện pháp ứng phó, hộ đê nhằm bảo vệ an toàn đê điều. Đây cũng là dịp để tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm, tạo cơ sở cho công tác quản lý, chỉ đạo trong cả ngắn hạn và dài hạn, nhằm giữ vững an toàn hệ thống đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Gần đây, thiên tai ở Việt Nam diễn ra khốc liệt với 6 cơn bão, hàng trăm trận mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và dông lốc, khiến 513 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 84.600 tỷ đồng. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) – cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, đã gây mưa lớn, lũ vượt lịch sử trên nhiều sông, đe dọa an toàn hồ chứa và các khu vực hạ lưu. Tình trạng mưa lũ kéo dài còn gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

"Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi, nhất là đối với hệ thống đê điều ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Theo thống kê thiệt hại, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết và mất tích, 283.383 nhà bị hư hỏng, tốc mái, trên 800 sự cố đê điều, 2.283 công trình thủy lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng, 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, 11.835 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão ước tính lên đến trên 81.700 tỷ đồng. Bão số 3 không chỉ gây thiệt hại cho nước ta mà còn ảnh hưởng đến 05 quốc gia khác khiến ít nhất 973 người chết và mất tích, thiệt hại 16,6 tỷ đô la Mỹ. Đây là những biểu hiện cho thấy thiên tai đang có diễn biến phức tạp và khả năng sẽ còn khó lường trong thời gian tới.

Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm qua, đặc biệt đợt mưa lũ sau bão số 3 vừa qua càng cho thấy vai trò của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc hộ đê, xử lý sự cố để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng. Đây là lực lượng trực tiếp tham mưu về mặt chuyên môn kỹ thuật, triển khai xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, giữ an toàn hệ thống đê, hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra. Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để chủ động ứng phó với lũ bão là rất quan trọng và cần thiết."

Trong 10 tháng đầu năm 2024, thiên tai toàn cầu diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, với nhiều sự kiện thiên tai quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng vượt qua các kỷ lục lịch sử, gây tổn thất lớn về người và tài sản ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển và hạ tầng chống chịu vững mạnh. Đáng chú ý, tại Mỹ vào tháng 10/2024, siêu bão Milton - một cơn bão cấp 5 mạnh nhất trong hơn 100 năm qua - đã tàn phá nặng nề, làm 41 người thiệt mạng hoặc mất tích và gây thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 85 tỷ USD. Tại Valencia, Tây Ban Nha, mưa lớn cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2024 cũng đã gây ra trận lũ quét lịch sử, làm ít nhất 217 người thiệt mạng.

Đồng chí Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tham dự và phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi đã từng bước được tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện; đặc biệt là sự chỉ đạo ứng phó kịp thời của các cấp trước diễn biến phức tạp do bão số 3 gây ra, đồng thời cho biết:

"Qua cơn bão số 3 cũng cho thấy hệ thống các công trình đê điều, thủy lợi của tỉnh vẫn cơ bản đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để tăng khả năng chống chịu với những tình huống thiên tai cực đoan, phức tạp hơn, khốc liệt hơn sẽ diễn ra trong thời gian tới thì hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn cần được quan đầu tư tu bổ, nâng cấp nhiều hơn nữa. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai là một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của tỉnh, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa thể đầu tư hết theo nhu cầu thực tế, do vậy tỉnh Bắc Ninh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với hệ thống đê điều, công trình thủy lợi nhằm đám ứng yêu cầu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Sau cơn báo Yagi cho thấy cơ bản thiệt hại là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên theo quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 thì mức hỗ trợ rất thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (không đáng kể so với giá trị thiệt hại), do đó tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ ngành Trung ương xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 để phù hợp với thực tế."

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Chương trình Hội nghị còn có các bài trình bày đến từ các cơ quan, đơn vị có liên quan, các bài tham luận về công tác đê điều của các tỉnh, thành phố đến tham dự: Tham luận “Tình hình khí tượng thủy văn từ tháng 6 - 10/2024; nhận định xu thế thủy văn tháng 11, 12 năm 2024” do đồng Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khi tượng thủy văn quốc gia trình bày; Một số nội dung về công tác quản lý, đảm bảo an toàn đê điều (trọng tâm về công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với mưa lũ sau bão số 3 năm 2024).

Phần thảo luận bao gồm: phân tích diễn biến trận lũ lớn sau bão số 3, đánh giá thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và công tác ứng phó, bảo vệ đê, xử lý sự cố đê điều. Các đại biểu từ các tỉnh, thành phố và đơn vị như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Viện Quy hoạch Thủy lợi và Trường Đại học Thủy lợi đã cùng trao đổi về các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho công tác đê điều./.

Tin, ảnh: Tuấn Anh

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/tap-huan-ky-thuat-ho-de-phong-chong-lut-bao-cho-luc-luong-chuyen-trach-quan-ly-de-nam-2024-157789
Zalo