Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.
Tối 22/11, tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904-22/11/2024).
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự kiện xác định tầm nhìn chiến lược phát triển trong chặng đường tiếp theo; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực ra sức thi đua xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, trải qua 120 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Lĩnh vực nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; sắc thái, diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm. Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững, biên giới của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; hợp tác quốc tế và liên kết vùng thúc đẩy có hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những thành tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đạt được. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú.
Nơi đây hội tụ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, nhằm tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo và là điểm đến yêu thích, đáng sống.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao.
Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk: Đắk Lắk - Tỉnh có tổng diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam với diện tích 212.106ha; Ủy ban Nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk: Hồ Lắk - Hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 500ha; Vườn Quốc gia Yok Đôn - Vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất Việt Nam.