Tập huấn kỹ năng truyền thông dân số và định kiến giới cho phóng viên và cán bộ dân số

Trong 2 ngày 28 và 29/11 tại Hải Phòng, Cục Dân số, Bộ Y tế đã phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức lớp tập huấn về 'Cập nhật thông tin cho phóng viên báo chí trong cách thức viết tin, bài về lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới'.

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại khác" do UNFPA tài trợ nhằm giải quyết và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến tình trạng bạo lực trên cơ sở định kiến giới với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại buổi tập huấn.

Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu tại buổi tập huấn.

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ: Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) kéo theo rất nhiều hệ lụy cho gia đình, cộng đồng và xã hội. MCBGTKS sẽ dẫn đến tính trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh – Chuyên gia cao cấp về Giới và Nhân quyền, Trưởng nhóm Giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ những câu chuyện về định kiến giới với phóng viên và cán bộ dân số.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh – Chuyên gia cao cấp về Giới và Nhân quyền, Trưởng nhóm Giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ những câu chuyện về định kiến giới với phóng viên và cán bộ dân số.

Để giải quyết tình trạng MCBGTKS, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành; Pháp lệnh Dân số 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em; Chiến lược Dân số qua các giai đoạn và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới đều quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Để triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản về việc nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính thai nhi. Nhất là gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới, nêu rõ cần phải “Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao”.

Tại lớp tập huấn, bà Hà Thị Quỳnh Anh – Chuyên gia cao cấp về Giới và Nhân quyền, Trưởng nhóm Giới của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã cung cấp thông tin giúp các học viên hiểu rõ thế nào là lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới qua các bài tập thực hành; Cùng nhau chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm nghề nghiệp với các phóng viên, cán bộ dân số tham gia công tác truyền thông dân số. Qua đó đưa ra hướng tiếp cận nhân vật, đối tượng cần khai thác thông tin và đưa ra biện pháp truyền thông hiệu quả nhất cho công tác dân số trên các báo, đài, tạp chí.

Cũng tại buổi tập huấn, Bác sĩ Mai Trung Sơn - Chuyên viên Cao cấp, Cục Dân số, Bộ Y tế chia sẻ: Cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ngăn chặn vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời thúc đẩy giá trị của trẻ em gái và bình đẳng giới; Thực hiện các điều luật nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội cải thiện vấn đề bình đẳng giới, ban hành các hệ thống an sinh xã hội chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em.

Trong 2 ngày tập huấn nghiêm túc, các học viên được chia sẻ, thảo luận hết sức sôi nổi, cởi mở về các vấn đề xoay quanh nhiều câu chuyện “Lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới”; Những khó khăn, thách thức của công tác dân số đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai; Những khó khăn trong hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức về giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới hiện nay tới các tầng lớp người dân... Từ đó đưa ra các giải pháp truyền thông giúp các phóng viên, báo chí và cán bộ truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; Các nguyên tắc viết bài phóng sự về các vấn đề liên quan đến bạo lực giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; Kỹ năng viết các câu chuyện, trong đó bao gồm kỹ năng phỏng vấn và tiếp xúc với phụ nữ và nam giới để họ chia sẻ các câu chuyện thật trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh kết nối trực tuyến toàn cầu.

Theo Cục Dân số, Bộ Y tế mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi số trẻ nam sinh ra còn sống lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ em gái. Từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam luôn ở mức trên 110. Đặc biệt một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng tỷ lệ này lên đến 120 như Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4).

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới (2034) và tăng lên 2,5 triệu (2059).

Việt Nga

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tap-huan-ky-nang-truyen-thong-dan-so-va-dinh-kien-gioi-cho-phong-vien-va-can-bo-dan-so-d5767.html
Zalo