Bệ phóng cho các nhà khoa học trẻ chinh phục dự án quốc tế

Từ ngày 29.11 đến 1.12, Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL) đã tổ chức thành công Trại sáng tác - VSL Writing Camp 7 với chủ đề 'Chinh phục các dự án Nghiên cứu quốc tế'.

VSL - WRITING CAMP 7 với chủ đề “Chinh phục dự án nghiên cứu quốc tế” ghi danh 60 học viên là các nhà khoa học đến từ các nhóm nghiên cứu, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các chuyên gia am hiểu hệ thống các Quỹ tài trợ nghiên cứu UK, ASEAN, các chuyên gia là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ trì các dự án nghiên cứu quốc tế và các mentor từ Ban Điều hành VSL.

Hoạt động cũng đã nhận được sự quan tâm và tham dự của Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng lãnh đạo Văn phòng, Ban Khoa học - Công nghệ và Ban Hợp tác & Phát triển.

 VSL - WRITING CAMP 7 ghi danh 60 học viên là các nhà khoa học, chuyên gia

VSL - WRITING CAMP 7 ghi danh 60 học viên là các nhà khoa học, chuyên gia

 Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu tại sự kiện

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu tại sự kiện

Chuyên đề “Xác định nhu cầu nghiên cứu và xây dựng ý tưởng” do GS.TS Trần Xuân Bách, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

Với kinh nghiệm giảng dạy, làm việc với các nhóm nghiên cứu của các đại học lớn và các chuyên gia quốc tế, Giáo sư Trần Xuân Bách đã giúp các học viên xác định rõ nhu cầu nghiên cứu khoa học quốc tế và các thách thức, cơ hội trong lĩnh vực cụ thể; nắm được cách xác định vấn đề nghiên cứu có giá trị thực tiễn và khoa học cao và phát triển ý tưởng nghiên cứu phù hợp với xu hướng toàn cầu, định hướng cá nhân.

Giáo sư cũng đã dành thời gian chia sẻ thêm với các nhóm về phương pháp xử lý dữ liệu và những kinh nghiệm quý báu trong quá trình nghiên cứu và quản lý dự án; giúp các nhà khoa học có thể bắt đầu xây dựng các ý tưởng nghiên cứu vừa khả thi và vừa có khả năng thu hút đầu tư.

 GS.TS Trần Xuân Bách chia sẻ Chuyên đề “Xác định nhu cầu nghiên cứu và xây dựng ý tưởng"

GS.TS Trần Xuân Bách chia sẻ Chuyên đề “Xác định nhu cầu nghiên cứu và xây dựng ý tưởng"

Chuyên đề “Xây dựng khung đề xuất dự án” do GS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban KHCN kiêm Phó Chủ tịch CLB VSL cùng TS. Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ, thành viên Ban Điều hành VSL phối hợp thực hiện. Phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với các hoạt động nhóm, thực hành, thảo luận sôi nổi đã giúp các nhà khoa học nắm bắt được những điểm quan trọng nhất cùng chiến lược để xây dựng đề xuất hiệu quả và “trúng đích”.

PGS.TS Lê Đức Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ chuyên đề "Kỹ thuật viết đề xuất hấp dẫn và thuyết phục".

Với kinh nghiệm Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Phân tích gen môi trường và bảo tồn - eGenomic Analysis and Conservation (GAC)”, PGS.TS Lê Đức Minh đã giúp học viên học cách trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, logic, khoa học. Đồng thời, củng cố thêm các kỹ thuật viết hấp dẫn, làm nổi bật giá trị nghiên cứu của dự án.

TS Bùi Thị Thanh Hương, Phó Trưởng ban Điều hành VSL chia sẻ chuyên đề về “Tiếp cận và chinh phục các dự án dành cho nhà khoa học nữ”. Đây là chuyên đề đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ - thành phần được ban tổ chức ưu tiên xét tham dự Trại sáng tác lần này.

TS Bùi Thị Thanh Hương đã chia sẻ thông tin về các dự án dành cho nhà khoa học nữ và khía cạnh giúp họ vượt qua rào cản, khai thác các cơ hội tài trợ dành riêng cho đối tượng này.

Cùng với các chuyên đề về phát triển kỹ năng, học viên Trại sáng tác số 7 còn được các chuyên gia đến từ các tổ chức/bộ ngành có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, am hiểu các quỹ tài trợ quốc tế.

Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cùng với Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin về các Quỹ tài trợ khu vực Châu Á và ASEAN.

GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland có những chia sẻ về Quỹ tài trợ quốc tế tại Châu Âu và UK. Cùng với việc chia sẻ thông tin về các quỹ tài trợ nghiên cứu, các chuyên gia đã chia sẻ thêm quy trình và những lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện dự án hợp tác ASEAN, UK. Qua đó, các nhà khoa học có thể hiểu rõ các yêu cầu và tiêu chí đánh giá của các Quỹ tài trợ nghiên cứu tiềm năng để phân tích các cơ hội tài trợ phù hợp với định hướng nghiên cứu của cá nhân, lựa chọn dự án phù hợp với mục tiêu và khả năng nghiên cứu của mình.

6 nhóm nghiên cứu được hình thành với 6 dự án được ấp ủ ban đầu. Các nhóm cũng đã được thực hành viết đề xuất, thuyết trình bảo vệ dự án và thuyết phục hội đồng, nhận được ý kiến góp ý từ các cộng sự và chuyên gia. VSL-WRITING CAMP 7 mở ra các cơ hội hợp tác, kết nối nghiên cứu giữa các nhóm.

Phát biểu tại chương trình, TS Phùng Danh Thắng, Phó Trưởng ban Điều hành VSL - Trưởng ban Tổ chức VSL-WRITING CAMP 7 nhấn mạnh, Ban Điều hành VSL cam kết cùng các chuyên gia giúp các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các dự án nhằm chinh phục thành công ít nhất 4 dự án sau Trại sáng tác 7.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội - VNU Scientist Links (VSL) được thành lập theo quyết định số 463/QĐ-TCCB ngày 7.2.2013 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận, phi hành chính nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, là kênh kết nối, hỗ trợ các nhà khoa học; nơi nuôi dưỡng, đào tạo các nguồn nhân lực khoa học trình độ cao của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mô hình Trại sáng tác VSL - WRITING CAMP là ý tưởng của GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Chủ tịch VSL, đến nay đã tổ chức được 7 số với sự tham gia của gần 400 cán bộ, nhà khoa học, giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội được thụ hưởng trực tiếp.

Đây là mô hình đào tạo tập trung tại một địa điểm ngoại thành, các học viên tham dự được chú trọng việc thực hành, hoạt động nhóm dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nhà khoa học và chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Sau mỗi số Trại sáng tác luôn có những sản phẩm chất lượng như xin tài trợ thành công Dự án nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học, các Đề tài Quốc gia được phê duyệt cho các tiến sĩ trẻ dưới 40 tuổi, tăng cường số lượng công bố quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học Xã hội & Nhân văn và thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/be-phong-cho-cac-nha-khoa-hoc-tre-chinh-phuc-du-an-quoc-te-post398070.html
Zalo