Tạo xung lực phát triển kinh tế tư nhân (*): Nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nghị quyết 68 yêu cầu các khu công nghiệp phải dành ít nhất 30% quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bên cạnh yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ, Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 về phát triển kinh tế tư nhân cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp về tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, vốn, nhân lực chất lượng cao.
Những chính sách thiết thực
Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang đối mặt hàng loạt khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, đất đai và cạnh tranh với DN lớn. Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo cú hích với nhiều chính sách thiết thực dành riêng cho nhóm DN này. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết Nghị quyết 68 yêu cầu ưu tiên DN nhỏ và vừa trong việc phân bổ nguồn lực. Đơn cử, các khu công nghiệp (KCN) phải dành ít nhất 30% quỹ đất cho DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, địa phương có thể chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ như quỹ bảo lãnh tín dụng, vay ưu đãi, giảm thuế hoặc tạo điều kiện tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, đánh giá cao việc nghị quyết tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ - yếu tố then chốt giúp DN nội địa cạnh tranh trên thị trường. Một điểm nhấn nữa là nghị quyết thúc đẩy mô hình chuỗi cung ứng giá trị, tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công và trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu là đưa khu vực tư nhân lọt vào top 3 ASEAN và top 5 châu Á về công nghệ trước năm 2030.

Tiếp cận đất đai là một rào cản lớn với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, các chính sách ưu tiên về thuế, tín dụng xanh và cơ chế thử nghiệm công nghệ (sandbox) là động lực quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa - nhất là khi lãi suất thương mại hiện vẫn cao hơn lạm phát. Đặc biệt, Nghị quyết 68 cũng mở ra cơ hội tiếp cận tín dụng theo hướng mới: cho vay dựa trên dòng tiền thay vì tài sản thế chấp. Đây là mô hình phù hợp với DN công nghệ và dịch vụ - nhóm chiếm khoảng 65% tổng số DN nhỏ và vừa tại Hà Nội nhưng ít tài sản hữu hình.
Nghị quyết cũng cho phép hỗ trợ lãi suất với các dự án xanh, tuần hoàn, đồng thời mở đường cho ngân hàng (NH) tái bảo lãnh để giảm hệ số rủi ro, giúp DN tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. "Đây là chính sách rất thiết thực, giúp DN nhỏ và vừa giảm phụ thuộc vào tài sản thế chấp" - ông Quốc Anh nhận định.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng DN tư nhân đang chịu thiệt thòi khi so sánh với DN nhà nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). "DN nhà nước được ưu ái vốn, DN FDI được bảo lãnh, trong khi DN tư nhân phải tự xoay xở với lãi suất cao" - ông nói.
Theo ông Tuấn, điểm đột phá của Nghị quyết 68 là khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay dựa vào dòng tiền. Đây là thay đổi quan trọng đối với DN nhỏ và vừa - nhóm thiếu tài sản bảo đảm nhưng lại có dòng tiền ổn định. Ngoài ra, việc thúc đẩy thành lập các quỹ hỗ trợ DN hoạt động theo cơ chế thị trường, không phụ thuộc ngân sách cũng được đánh giá cao.
Rào cản về tiếp cận đất đai cũng được Nghị quyết 68 đề cập rõ ràng. Theo đó, các địa phương cần dành quỹ đất riêng cho DN tư nhân khi quy hoạch KCN. Đồng thời, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia vào năm 2025 và cho phép giao dịch đất đai trực tuyến, giúp minh bạch hóa và giảm chi phí tiếp cận tài nguyên. "Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 sẽ tạo nền tảng chính sách vững chắc để DN tư nhân phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngân hàng vào cuộc
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết trong hoạt động xuất khẩu, thời gian từ khi bán hàng đến khi nhận thanh toán có thể kéo dài hàng tháng. Do đó, ngành NH cần có chính sách giảm lãi suất cho các thị trường xuất khẩu mà DN đang gặp khó, đồng thời nới lỏng các điều kiện vay và "mềm hóa" thủ tục thế chấp để hỗ trợ DN.
Theo ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Chính phủ và NH Nhà nước đã quán triệt chính sách hỗ trợ DN, bao gồm việc giữ ổn định lãi suất và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ DN đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo sớm triển khai gói tín dụng 500.000 tỉ đồng, hỗ trợ không chỉ 2 ngành công nghệ và hạ tầng mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Thực tế, ngay sau khi có Nghị quyết 68, một số NH đã bắt đầu triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, NH Á Châu (ACB) đã hiện thực hóa Nghị quyết 68 bằng các giải pháp tín dụng ưu đãi, giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn để mở rộng thị trường và chuyển đổi số. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết các chính sách trong Nghị quyết 68, đặc biệt là các giải pháp về tín dụng, được ACB đánh giá là đột phá và thiết thực. Việc miễn thuế thu nhập DN trong 3 năm đầu thành lập sẽ tạo cơ hội cho DN trẻ có thêm thời gian tích lũy. Chính sách hỗ trợ thuê đất công chưa sử dụng cũng giúp giảm gánh nặng chi phí mặt bằng cho DN ở khu vực đô thị và công nghiệp.
Để hỗ trợ DN, ACB đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng quy mô 40.000 tỉ đồng, trong đó 20.000 tỉ đồng dành cho DN nhỏ và vừa, 20.000 tỉ đồng dành cho các DN lớn đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng này có lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên, giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Ở góc độ DN, bà Đinh Thị Thúy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA, cho biết DN tư nhân luôn phải thay đổi tư duy và đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển. Tuy nhiên, DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vì bảng báo cáo tài chính đôi khi chưa đủ tin cậy để NH giải ngân. Do đó, DN mong muốn có cơ chế, chính sách thuận lợi để tiếp cận cơ sở hạ tầng, đất đai và nguồn vốn.
Trong bối cảnh "cá nhanh nuốt cá chậm", bà Thúy nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách riêng cho DN nhỏ và vừa, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, giúp họ đột phá trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Ngoài việc hỗ trợ tín dụng, việc hoàn thiện mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa cũng được đánh giá là rất cần thiết. Những quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ rủi ro giữa NH và DN, từ đó giúp các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn cho các DN tiềm năng.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-5
Cần đồng bộ các khâu
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA), việc phát triển các KCN tại TP HCM đang gặp nhiều khó khăn, với nhiều dự án bị chững lại vì vướng mắc pháp lý, chậm điều chỉnh quy hoạch và thiếu quỹ đất sạch. Thành phố hiện có 17 KCN hoạt động, với tỉ lệ lấp đầy bình quân gần 90%. Tuy nhiên, TP HCM không thể triển khai KCN mới trong nhiều năm qua do các vấn đề liên quan quy hoạch đất đai và thủ tục đầu tư chồng chéo.
Một số dự án, như mở rộng KCN Hiệp Phước và KCN Phạm Văn Hai, dù có chủ trương từ sớm nhưng vẫn chưa thể triển khai vì chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, chưa hoàn thành thẩm định môi trường hoặc chọn nhà đầu tư hạ tầng. HEPZA cho biết trước đây, để triển khai một KCN mới, thành phố phải mất nhiều năm chờ xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch ở cấp trung ương. Tuy nhiên, với cơ chế phân cấp trong Nghị quyết 68, địa phương có thể chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch mà không phải chờ đợi kéo dài.
Những DN trong các KCN cũng mong muốn TP HCM tận dụng cơ chế này để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đặc biệt là dự án bị "treo". DN kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ giúp giảm thời gian, thủ tục và tạo động lực thu hút nhà đầu tư quay lại. Đại diện Hiệp hội Các DN KCN TP HCM cho biết nhiều DN lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chính xác, điện tử đang chờ có quỹ đất sạch để đầu tư.
Ngoài việc tháo gỡ vấn đề quy hoạch và đất đai, Nghị quyết 68 cũng định hướng phát triển các KCN theo mô hình mới như KCN sinh thái, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. TP HCM đang chuyển hướng quy hoạch theo mô hình tích hợp - kết nối các KCN mới với hệ thống giao thông, logistics, cảng biển và khu dân cư. Để Nghị quyết 68 thật sự phát huy hiệu quả, TP HCM cần đồng bộ các khâu - từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính đến nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu Meet More), cho rằng Nghị quyết 68 được xem là cú hích quan trọng, mở ra cơ hội tháo gỡ nút thắt tăng trưởng công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông tin rằng trong bối cảnh TP HCM đang khan hiếm quỹ đất công nghiệp, đặc biệt cho lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất sạch, Nghị quyết 68 là cơ hội để thành phố tái định vị vai trò đầu tàu công nghiệp của cả nước.