Tạo vòng đời mới cho mo cau

Từ ký ức thời thơ ấu với những cây cau trong vườn nhà, chị Phan Vũ Hoài Vui (SN 1989) đã nảy ra ý tưởng tái chế mo cau thành các sản phẩm trong sinh hoạt hằng ngày để thay thế đồ nhựa sử dụng một lần. Những đồ dùng này ngày càng được ưa chuộng bởi khả năng tự phân hủy cao, góp phần bảo vệ môi trường sống.

 Chị Hoài Vui và sản phẩm làm từ mo cau. Ảnh: NVCC

Chị Hoài Vui và sản phẩm làm từ mo cau. Ảnh: NVCC

Từ năm 2020, tại thôn Tiên Phú Tây (xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), chị Hoài Vui bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm bằng mo cau đẹp mắt. Điều đặc biệt là chúng có thể thay thế những sản phẩm bằng nhựa và các chất liệu khó tiêu hủy khác.

"Cây cau có thể cho quả để ông bà ăn trầu, còn bẹ cau thì làm quạt, làm gàu múc nước… Ngày xưa, thứ gì cũng có thể tận dụng để biến chúng thành những đồ vật hữu ích. Thế nhưng khi lớn lên, đi làm, tôi lại cùng đồng nghiệp ăn những bữa cơm đựng trong hộp nhựa, hộp xốp, sau đó lại vứt chúng đi và làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Vậy tại sao tôi không thử làm những chiếc đĩa, chiếc khay, hộp,… bằng mo cau, thay thế cho những hộp nhựa, hộp xốp đó? Suy nghĩ ấy đã thôi thúc tôi làm ra những sản phẩm như bây giờ", chị Vui chia sẻ.

Từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm là thời điểm những chiếc mo cau được người dân thu hoạch và mang đến hợp tác xã. Mo cau có khả năng tự phân hủy sinh học hoàn toàn, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Một số có thể tái sử dụng nhiều lần, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Kể về quy trình làm ra sản phẩm, chị Vui cho biết, đầu tiên, mo cau khi mới rụng được đem phơi khô, đưa về xưởng phân loại, sau đó được ngâm nước, rửa sạch rồi cho vào máy ép theo khuôn.

Sản phẩm làm từ mo cau của chị Hoài Vui

Sản phẩm làm từ mo cau của chị Hoài Vui

Những sản phẩm đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn để đưa vào máy khử khuẩn, bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm. Cuối cùng là đóng gói nhập kho và phân phối.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp. Các sản phẩm từ mo cau là một giải pháp thay thế hiệu quả cho các sản phẩm từ nhựa. Mo cau thường bị coi là rác thải nông nghiệp nhưng giờ đây, nó đã có một vòng đời mới, tái sinh thành những sản phẩm hữu ích”.

Chị Phan Vũ Hoài Vui

Mo cau là một nguồn nguyên liệu tái sinh, bền vững, có sẵn trong tự nhiên. Với sự nghiên cứu và phát triển không ngừng, chị Vui đã biến một nguồn nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.

"Nếu mo cau không được sử dụng làm các sản phẩm này thì bà con thường để rụng trong vườn. Số ít thì dùng tàu cau để nhóm lửa và dùng bẹ cau làm quạt, rất lãng phí", chị Vui cho biết.

Mo cau cứng cáp và đẹp mắt nên có thể chế tác thành nhiều hình dáng khác nhau như khay, chén, dĩa. Đặc biệt hơn khi sản phẩm mo cau có thể dùng để đựng một số đặc sản như hồng treo gió và trái cây.

Các sản phẩm này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường mà còn an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Hơn nữa, việc thu mua mo cau còn giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và hiểu hơn về những sản phẩm tự nhiên.

Mỗi năm, Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam do chị Hoài Vui làm quản lý đã phân phối tới cộng đồng hơn 300 nghìn sản phẩm. Sản phẩm của Hợp tác xã còn được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và chinh phục cộng đồng quốc tế.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tao-vong-doi-moi-cho-mo-cau-20250120190143689.htm
Zalo