Ấn tượng cụm linh vật Ất Tỵ lấy cảm hứng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu

Chiều 21/1, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, UBND thành phố Quy Nhơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ thuật Đức Nhân tổ chức khánh thành cụm linh vật Ất Tỵ 2025.

Người dân và du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Cụm Linh vật Ất Ty 2025.

Người dân và du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Cụm Linh vật Ất Ty 2025.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Huỳnh Văn Lợi cho biết, hoạt động này nhằm tạo ra không gian tham quan, thưởng lãm, vui chơi cho người dân trong tỉnh cũng như tạo “điểm nhấn” thu hút khách du lịch đến với địa phương dịp Tết đến, Xuân về.

Cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 lấy ý tưởng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn) - di tích Quốc gia đặc biệt. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn, là con vật thần thoại có nhiều cái đầu (thường là 5, 7 hoặc 9 đầu). Với hình thể độc đáo, rắn Naga có mang phình ra rất to, che phủ nhiều cái đầu.

Cụm linh vật Ất Tỵ 2025 tại quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút sự quan tâm của người dân.

Cụm linh vật Ất Tỵ 2025 tại quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút sự quan tâm của người dân.

Ông Huỳnh Văn Lợi cho biết thêm, theo quan niệm người xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tốt tươi. Do vậy, rắn thần Naga là biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc. Bên cạnh đó, rắn Naga còn có nhiệm vụ canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp cho nên được thể hiện rất nhiều trong các đền tháp.

Trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm tại Việt Nam, hình tượng rắn Naga được thể hiện nhiều nhất tại tháp Dương Long, có niên đại cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13. Rắn Naga dùng trang trí hệ thống chân đế, vòm cửa và trên bộ mái của tháp. Hình tượng rắn Naga tại tháp Dương Long là sự giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau, tạo nên nét độc đáo về tạo hình. Qua đó, phản ánh mối quan hệ mở rộng của vùng đất Bình Định với các nền văn hóa, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử. Ngoài ra, rắn Naga tại tháp Dương Long có tính thẩm mỹ cao về nghệ thuật tạo hình, được xem là đạt đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc Chămpa.

Nhằm quảng bá giá trị di sản văn hóa đặc sắc và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 lấy hình tượng cụm tháp Dương Long và tượng rắn Naga, trong đó cụm tháp Dương Long làm phông nền chủ đạo với chiều cao 7,5 mét; linh vật Rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5 mét, được mô phỏng sinh động và được đặt trước trung tâm tượng cụm tháp Dương Long. Các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và hơi nước tạo nên khung cảnh khá huyền bí, mang lại cho người xem về vùng đất Bình Định giàu trầm tích văn hóa.

Người dân và du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Cụm Linh vật Ất Ty 2025.

Người dân và du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Cụm Linh vật Ất Ty 2025.

Cùng với đó, Cụm linh vật phụ (mặt sau - hướng ra biển) lấy hình tượng linh vật Xuân Ất Tỵ với tạo hình cách điệu hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghệ, phía sau là tạo hình hai bàn tay nắm chặt tượng trưng cho sự đoàn kết, quyết tâm của Bình Định cùng với cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Cụm linh vật phụ này có chiều cao 5 mét, được bố trí hiệu ứng ánh sáng vào ban đêm đem lại nét tươi mới, hiện đại.

Nhiều tượng rắn được tạo hình trông ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Nhiều tượng rắn được tạo hình trông ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Vườn hoa trưng bày linh vật có chiều dài khoảng 120m, chiều rộng 40m, được bố trí hơn 40.000 chậu hoa với hơn 30 chủng loại hoa đa dạng về màu sắc, tạo không gian sinh động, nhiều màu sắc.

Tin, ảnh: Phước Ngọc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/an-tuong-cum-linh-vat-at-ty-lay-cam-hung-tu-tuong-ran-than-naga-5-dau-20250121214359275.htm
Zalo