Tạo việc làm, tăng thu nhập từ vốn chính sách

Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh triển khai từ nhiều năm nay bằng nguồn vốn trung ương và ngân sách tỉnh ủy thác. Nguồn vốn tín dụng chính sách này được nhiều lao động nông thôn sử dụng hiệu quả, phát triển mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên làm giàu.

Vốn hỗ trợ thiết thực

Cuối năm 2022, gia đình ông Lý Đức Trường, thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) được vay 77,5 triệu đồng vốn giải quyết việc làm theo Nghị định 28 của Chính phủ từ Ngân hàng CSXH huyện. Ông Trường chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn chính sách giải quyết việc làm, gia đình tôi có điều kiện để mở rộng xưởng chế biến gỗ như hiện nay. Có vốn đầu tư thêm máy móc nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, nhờ vậy cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Nguồn thu nhập ổn định từ xưởng gỗ đã giúp gia đình đang dần dần thoát nghèo".

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lâm Bình cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, Phòng giao dịch đã giải ngân cho 112 hộ chuyển đổi nghề với số tiền 7,9 tỷ đồng. Trên cơ sở danh sách đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Sau giải ngân, đơn vị thường xuyên kiểm tra các hộ vay, đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn vay đã tạo cơ hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo có thêm "đòn bẩy" tiếp sức cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Anh Nông Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện trồng mít Thái.

Anh Nông Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện trồng mít Thái.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng tạo việc làm cho lao động địa phương và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ở các xã, thị trấn triển khai hiệu quả chương trình vay vốn giải quyết việc làm. Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho gần 1.500 hộ vay với số tiền hơn 84 tỷ đồng.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên, trước khi cho vay, đơn vị đã thực hiện rà soát, có danh sách chi tiết, cụ thể và quán triệt đến các tổ tiết kiệm và vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Các cán bộ tín dụng kiểm tra 100% các hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm với hơn 1.000 khách hàng, các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Quản lý chặt, bổ sung nguồn vốn

Vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là một chương trình tín dụng chính sách quan trọng, có ý nghĩa xã hội lớn, giúp nhiều hộ, cơ sở sản xuất - kinh doanh duy trì hoạt động, mở rộng quy mô, gia tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống. Qua các giai đoạn, chính sách được điều chỉnh phù hợp, giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận thuận lợi hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2024, tổng nguồn vốn cho vay của Quỹ đạt hơn 779,6 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2023. Dư nợ năm 2024 là hơn 260 tỷ đồng với 4.250 khách hàng vay vốn. Có được kết quả này, ngoài bảo đảm quy trình giải ngân, việc kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay được hệ thống ngân hàng CSXH quan tâm.

 Người Mông thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) vay vốn giải quyết việc làm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Người Mông thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) vay vốn giải quyết việc làm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên cho biết: “Trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân, đơn vị cử cán bộ trực tiếp kiểm tra từng dự án, trường hợp sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi vốn cho vay. Đồng thời, phối hợp với cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn; kịp thời phối hợp, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý với các hộ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan”.

Tuy vậy, hiện nay, nguồn vốn trung ương phân bổ vào Quỹ rất khiêm tốn, chỉ chiếm gần 1% tổng nguồn vốn cho vay của ngân hàng; số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm. Qua khảo sát thực tế, nguồn vốn vay mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu của người dân địa phương. Nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho người dân, bên cạnh đề xuất Chính phủ cân đối, hằng năm cấp bổ sung nguồn vốn cho quỹ, UBND huyện, TP cần tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn. Ở khâu thẩm định, ưu tiên cho vay đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp, lao động là người khuyết tật, thanh niên, phụ nữ nông thôn, những người mãn hạn tù. Đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép hoạt động tín chấp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật của các hội, đoàn thể ở địa phương. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: Mỹ An

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tao-viec-lam-tang-thu-nhap-tu-von-chinh-sach-206312.html
Zalo