Huyện Cái Bè: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
Sáng 6-2, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cái Bè Phạm Thị Tại.
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần giúp huyện Cái Bè thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2024, từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 569 lao động; hỗ trợ vốn vay cho 15 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp cho hơn 1.992 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa 1.931 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 1 căn nhà ở xã hội. Giúp cho 920 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Hỗ trợ vay vốn cho 15 đối tượng người chấp hành xong án phạt tù để sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2024, dư nợ bình quân đạt 38,05 triệu đồng/khách hàng…
Trong năm 2025, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Bè sẽ tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014, Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30-10-2024, Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư; Quyết định 1630/QĐ-TTg ngày 28-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Công văn 1069/TTg-KTTH ngày 17-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, huyện Cái Bè sẽ chủ động phối hợp với các ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hiện hành. Xây dựng các dự án hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn cho vay từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương, kịp thời đề xuất UBND huyện ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách xã hội... Qua đó, tạo sinh kế cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững…