Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ những nông dân quanh năm chỉ biết đến những cánh đồng ruộng bậc thang nhỏ hẹp, hay vào rừng khai thác lâm sản phụ kiếm sống…, giờ đây đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Ninh đã biết làm thợ điện, cơ khí, kinh doanh nhỏ, hoặc làm hướng dẫn viên du lịch…

Đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong một xưởng miến tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Quý.

Đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong một xưởng miến tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Quý.

Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu), anh Trần A Chiu là một tấm gương điển hình trong học hỏi và cải tiến kỹ thuật, từ đó phát triển kinh tế hộ gia đình. Khoảng 10 năm trước, chẳng bao giờ anh Chiu nghĩ mình sẽ là ông chủ của một cơ sở sản xuất miến dong, tự lái xe tải đi giao miến khắp nơi trong và ngoài huyện.

Khi đó, bà con đồng bào Sán Chỉ ở Húc Động hoàn toàn làm miến theo phương pháp thủ công. Bột dong trắng xóa, bốc mùi chua nồng khắp các nhánh suối Khe Vằn. Từ các lớp học về kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời duy trì thương hiệu sản phẩm miến dong của địa phương, anh Chiu đã đầu tư mua một máy sản xuất miến dong trị giá gần 200 triệu đồng để thay thế các dụng cụ thủ công cũ, đồng thời xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà kho, khu vực phơi sấy và khu lọc tráng bột…

Giờ đây, nghề làm miến dong đã tạo việc làm và thu nhập cho bà con nông dân địa phương, với bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, mỗi hợp tác xã như của anh Chiu sản xuất khoảng 40 tấn miến thành phẩm, cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, với giá mỗi kg miến dong khoảng 75.000 đồng.

Huyện vùng cao Bình Liêu, với hơn 96% dân số là đồng bào DTTS, đã tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Năm 2024, huyện mở 5 lớp sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, với khoảng 100 học viên, trong đó ưu tiên nghề liên quan du lịch để phát huy tiềm năng địa phương. Sau khi học, kết quả giải quyết việc làm được theo dõi và đánh giá. Còn tại huyện Ba Chẽ, với trên 80% dân số là đồng bào DTTS, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được chú trọng. Các nhóm nghề chính gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm; điện nước nông thôn; kỹ thuật chế biến món ăn và phục vụ. Học viên được trang bị kiến thức cơ bản về sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ đã phát triển kinh tế và làm giàu từ các mô hình này,

Để giải quyết việc làm, đặc biệt là đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, nhiều địa phương phối hợp với Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh, đào tạo thợ lò, đồng thời đưa lao động đi làm tại các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam...

Đặc biệt, một số địa phương đã vận dụng những cách làm hay, hiệu quả trong giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS như: Phối hợp với cơ sở giáo dục, dạy nghề tư vấn, hướng nghiệp nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho thanh niên là đồng bào DTTS; hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển, dự báo tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề…

Ông Phạm Đức Thắng - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu nhận định: Người dân đã có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề. Từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học để nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào DTTS.

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tao-viec-lam-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10306793.html
Zalo