Tạo tiếng vang lớn trên toàn thế giới
Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trước một đế quốc hùng mạnh là minh chứng về sự quật cường, quả cảm, tinh thần yêu nước và quyết tâm sắt đá đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thắng lợi vĩ đại ấy đã tạo tiếng vang lớn, ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng trên toàn thế giới.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Khách du lịch quốc tế tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Phượng
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam trở thành tâm điểm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Việc để mất Việt Nam có thể khiến Mỹ mất đi vị thế và sức ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới, trước hết là khu vực Đông Nam Á - nơi Mỹ có nhiều lợi ích về chính trị, kinh tế và quân sự. Chính vì lẽ đó, việc ồ ạt đưa quân vào miền Nam Việt Nam, nhằm đàn áp và đánh bại Việt Nam, không chỉ giúp đế quốc Mỹ đánh bại và răn đe được phong trào giải phóng dân tộc, mà còn đánh bại chủ nghĩa xã hội ở khu vực và củng cố được vị thế của Mỹ trong các nước đồng minh.
Thực hiện âm mưu đó, đế quốc Mỹ đã ném vào cuộc chiến tranh Việt Nam tất cả các nguồn lực mà Mỹ có thể sử dụng gồm tiền bạc, vũ khí, kỹ thuật... Đồng thời, phát huy tối đa sức mạnh của lục quân, không quân, hải quân; sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, với chất lượng cao nhất (trừ vũ khí hạt nhân). Qua đó, tiêu phí một lượng ngân sách khổng lồ, nhiều hơn cả chi phí trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đồng thời, thực hành những chiến lược phản cách mạng hiểm độc nhất (4 chiến lược gồm Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh); trải qua 5 đời Tổng thống và 8 lần thay đổi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 4 lần đổi tướng Tổng tư lệnh quân Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam.
Với nguồn lực khổng lồ đổ vào cuộc chiến, đế quốc Mỹ muốn biến Việt Nam trở thành một chiến trường khốc liệt, nơi diễn ra “cuộc đụng đầu lịch sử” quyết liệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa độc lập dân tộc với ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa sức mạnh của bom đạn, sắt thép và bản lĩnh, ý chí con người...
Đứng trước kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo, đã từng có những lo lắng, băn khoăn: “Làm thế nào đánh được Mỹ và thắng Mỹ?”. Rồi trên thế giới, nhiều chính phủ và những nhân vật có tên tuổi cũng tỏ ra lo ngại cuộc chiến tranh có thể lan rộng và trở thành cuộc chiến tranh thế giới mới. Và họ đã cho Việt Nam lời khuyên “không nên đối đầu với Mỹ - một siêu cường chưa từng bị thua trận”. Họ cũng mở những cuộc vận động ngoại giao, để mong tìm được giải pháp chính trị sao cho cả ta và Mỹ có thể chấp nhận được... Song, tất cả sự nỗ lực và thiện chí ấy đều không mang lại kết quả. Chiến tranh vẫn tiếp diễn theo chiều hướng ngày càng ác liệt, bởi những nhà cầm quyền Mỹ mưu toan dùng sức mạnh quân sự để áp đặt ý muốn của họ đối với dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, thắng lợi của dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn nhấn chìm dã tâm của đế quốc Mỹ. Dẫu cuộc chiến kéo dài tới 21 năm, với vô vàn mất mát, hy sinh, nhưng thắng lợi đã thuộc về dân tộc Việt Nam chính nghĩa, can trường, dũng cảm.
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành vấn đề nóng bỏng, lôi cuốn hàng triệu người đứng về phía bên này hoặc bên kia và là trung tâm chú ý của toàn nhân loại trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Do đó, thắng lợi của Nhân dân Việt Nam đã tạo tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Thắng lợi ấy đã làm phá sản một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, khi Mỹ bị đánh bật khỏi miền Nam Việt Nam - chỗ đứng chân giúp khống chế Đông Nam Á, tìm đường tiến xuống phía Nam và vươn lên hướng Bắc. Đồng thời, với thắng lợi của Nhân dân Việt Nam, một “phòng tuyến lớn” nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng thế giới cũng bị phá vỡ. Các chiến lược chiến tranh cùng hàng loạt chiến thuật quân sự được Mỹ đem thi thố đã trở nên vô dụng. Các nền tảng xã hội Mỹ vốn được phương Tây ca ngợi là kiểu mẫu của “thế giới tự do” bị rung chuyển. Uy tín, địa vị quốc tế của Mỹ bị suy sụp. Vai trò chỉ huy của Mỹ đối với các nước đế quốc, tư bản khác đã giảm sút... Còn trong lòng nước Mỹ, xã hội bị chia rẽ và “bị rạn nứt thành từng mảnh”; “những tiến bộ của đời sống vật chất lẫn lòng tin đối với quốc gia, không còn duy trì được”...
Có thể khẳng định, tài thao lược của Đảng, tinh thần bất khuất của Nhân dân và những bài học kinh nghiệm quý giá của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành “tấm gương chói lọi cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới đang tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa chống các thế lực áp bức của nước ngoài”. Cuộc đấu tranh ấy cũng "tạo ra cho các dân tộc khác những điều kiện bên ngoài thuận lợi hơn cho cuộc đấu tranh cách mạng của họ”. Nhiều dân tộc đã nhanh chóng học được các hình thức, phương pháp và những kinh nghiệm đấu tranh của Việt Nam và điều đó đã góp phần giúp họ giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Trong thời gian Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến, phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập đã diễn ra sôi nổi khắp khu vực Á, Phi, Mỹ Latinh. Tính đến giữa những năm 60 của thế kỷ XX, đã có 70 nước Á, Phi, Mỹ Latinh giành được độc lập. Ở châu Á, do bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải rút bỏ một số căn cứ quân sự quan trọng trên đất Thái Lan; đồng thời, sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Nhật Bản, Philíppin... cũng bị phản đối mạnh mẽ. Riêng khu vực Đông Nam Á, Nhân dân hai nước láng giềng Lào và Campuchia anh em đã liên tục sát cánh cùng Nhân dân Việt Nam chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn. Ở khu vực Mỹ Latinh, cao trào đấu tranh chống đế quốc và chế độ độc tài đã bùng nổ mạnh mẽ trong các thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX và được mệnh danh là “lục địa bùng cháy”. Phong trào lan rộng khắp các nước như Cuba, Vênêduêla, Goatêmala, Côlômbia, Pêru, Nicaragoa, Chilê, En Xanvado... Kết quả là chính quyền độc tài ở nhiều nước đã bị lật đổ, các chính phủ dân chủ ở nhiều nước được thiết lập. Ở châu Phi, trước chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ có 2 nước độc lập trên danh nghĩa; nhưng đến năm 1968 đã có 39 nước giành được độc lập, chiếm 85% lãnh thổ và 95% dân số toàn châu lục này...
Kể từ khi Mỹ thu lợi qua hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, trở thành đế quốc giàu mạnh nhất, nuôi tham vọng bá chủ thế giới và buộc nhân loại phải đi theo quỹ đạo của chúng. Từ đó, cũng hình thành tâm lý e sợ sức mạnh Mỹ. Song, thắng lợi của dân tộc Việt Nam đã góp phần làm thức tỉnh lương tri nhân loại, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Thắng lợi của Nhân dân Việt Nam đã làm cho Nhân dân thế giới không những không còn tâm lý sợ Mỹ, mà còn dám đánh Mỹ, biết đánh và quyết thắng Mỹ. Thắng lợi ấy đã chứng tỏ một chân lý, trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé, lãnh thổ hẹp, dân số ít, kinh tế kém phát triển nhưng biết đoàn kết và quyết tâm, có một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, thì có thể hoàn toàn đánh bại được những kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp bội lần.
Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới về sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ. Để rồi, với thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam tiếp tục chứng minh cho thế giới về sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới là điều khó tránh khỏi. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong “cuộc đụng đầu lịch sử” này đã trở thành biểu tượng mới về sức mạnh của sự kết hợp ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi chính ở Việt Nam, sức mạnh ấy đã làm tiêu tan huyền thoại về “sức mạnh không thể tưởng tượng nổi của nước Mỹ”!
Lê Phượng
Bài viết sử dụng tư liệu trong “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1945-1975”.