Tạo thị trường mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo thay vì phần mềm miễn phí dùng chung
Tại Tọa đàm phiên khai mạc sự kiện DX Summit 2025 ngày 27/5/2025, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA (MISA) đã có kiến nghị về việc triển khai phần mềm kế toán, nền tảng số cho dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
Với chủ đề "Chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ – đột phá vươn mình", tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ và đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin tư nhân hàng đầu Việt Nam, nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Toàn cảnh Tọa đàm tại Phiên khai mạc DX Summit 2025.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương của Nhà nước dự kiến bố trí kinh phí cung cấp miễn phí các nền tảng số và phần mềm kế toán dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ hàng triệu hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ từng bước tiếp cận nền kinh tế số.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT MISA kiến nghị về việc cần tạo thị trường mở, môi trường cạnh tranh thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp thay vì phần mềm kế toán dùng chung.
Để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai chính sách cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và ngành công nghệ, đại diện MISA đề xuất các giải pháp. Thứ nhất, MISA kiến nghị không nên chỉ định một vài doanh nghiệp duy nhất phát triển phần mềm dùng chung và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. Thực tế cho thấy các chủ trương phần mềm dùng chung trước đây không thành công do hình thức độc quyền này hạn chế sự đổi mới sáng tạo, không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của hàng triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đồng thời, việc chỉ giao cho một số ít đơn vị phát triển phần mềm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành phần mềm trong nước, đi ngược lại mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, cơ chế độc quyền này có thể làm ngành công nghệ thiếu tính cạnh tranh, thiếu đa dạng, khó đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng ngành nghề.
Thứ hai, MISA đề xuất Chính phủ tập trung xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp như khấu trừ thuế cho người dùng cuối để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả. Ông Nguyễn Xuân Hoàng bày tỏ cần tạo môi trường cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh chủ động lựa chọn phần mềm phù hợp, giảm chi phí và tối ưu hiệu quả chuyển đổi số. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi doanh nghiệp công nghệ trong nước của Chính phủ sẽ phát triển các giải pháp sáng tạo, đáp ứng đa dạng nhu cầu doanh nghiệp nhỏ, góp phần xây dựng hệ sinh thái số bền vững.
Đại diện MISA dẫn chứng bài học thành công từ ngành Thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử. Ông nhấn mạnh thành công này là nhờ cách tiếp cận thị trường dựa trên tiêu chuẩn mở và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ khác nhau. "Trong vòng 2 năm, gần như 100% doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử mà không gặp trở ngại nào. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc xây dựng tiêu chuẩn mở và kiến tạo thị trường thay vì độc quyền sản phẩm" – ông Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định.
Tại tọa đàm do Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang – Thành viên Hội đồng Sáng lập VINASA, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA – chủ trì, nhiều ý kiến quan trọng đã được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp chia sẻ. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, ủng hộ quan điểm về việc tạo dựng thị trường mở, công bằng để tất cả các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có cả những đơn vị tư nhân đang phát triển như UNICA, được tham gia cạnh tranh. Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Ngọc – Giám đốc tư vấn ứng dụng AI của VNPT, cùng ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA, và ông Nguyễn Việt Đức – CEO UNICA, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng, giúp doanh nghiệp công nghệ đa dạng phát triển các giải pháp phù hợp với nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh.
Với tư cách thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng Chính phủ, ông Cấn Văn Lực đánh giá cao mục tiêu chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp. Ông đồng thuận với quan điểm của các chuyên gia và doanh nghiệp về việc cần triển khai chính sách một cách linh hoạt, đa dạng và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, ông ghi nhận các đề xuất từ các chuyên gia, diễn giả và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi để xây dựng chính sách hiệu quả, vừa thúc đẩy sáng tạo, vừa hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và hộ kinh doanh.
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA kiến nghị Chính phủ nên chuyển hướng sang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật mở và cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một thị trường công nghệ năng động, khơi dậy sáng tạo và trao quyền cho doanh nghiệp nhỏ chủ động lựa chọn giải pháp tối ưu, từ đó mở rộng chuyển đổi số một cách bền vững và hiệu quả.