Tạo sức hấp dẫn cho du lịch về nguồn

Việc đặt chân đến những di tích lịch sử hay khu tưởng niệm không đơn thuần là trải nghiệm du lịch, mà còn là cơ hội để mỗi người cảm nhận sâu sắc quá khứ hào hùng của dân tộc. Ngành Du lịch cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các tour du lịch tham quan “địa chỉ đỏ”.

Nhiều "địa chỉ đỏ" có thể trở thành điểm đến

Mới đây, đoàn đại biểu tham gia Chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024” đã đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm). Sau khi dâng hương ở tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, đoàn đã tham quan bảo tàng ngầm - nơi lưu giữ các kỷ vật của 64 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988. Những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của anh hùng, liệt sĩ Trần Đức Thông, Trần Văn Phương; những bức thư, kỷ vật cuối cùng của các chiến sĩ hải quân; tấm lòng của những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma hay hành trình tìm ảnh cho liệt sĩ Trần Quốc Trị… được thuyết minh viên kể lại đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Nhiều đại biểu trong đoàn tham quan cho biết, họ sẽ quay lại du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa cùng gia đình đến tham quan, tìm hiểu sâu hơn về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cũng như một số di tích lịch sử cách mạng khác ở Khánh Hòa. “Trong số 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma có rất nhiều người con của đất Quảng Trị. Tôi muốn các con tôi sẽ đến đây để hiểu thêm về những trang sử hào hùng của cha ông, để biết đến sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - bà Thu Thủy - cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chia sẻ.

Khách xem bức thư cuối cùng của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương được trưng bày ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Khách xem bức thư cuối cùng của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương được trưng bày ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Ngoài Gạc Ma, Khánh Hòa còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng khác như: Phủ đường Ninh Hòa gắn với cuộc biểu tình ngày 16-7-1930, ga Nha Trang - nơi mở đầu 101 ngày đêm kháng chiến chống Pháp của quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa, Khu di tích lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) - nơi anh hùng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh khi vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam… Những “địa chỉ đỏ” này hoàn toàn có thể trở thành tour du lịch về nguồn hấp dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác các giá trị di tích lịch sử, cách mạng trong hoạt động du lịch vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành không mấy mặn mà khi tổ chức các tour du lịch về nguồn vì cơ sở vật chất của điểm đến còn yếu, nhân lực phục vụ chưa chuyên nghiệp, thiếu liên kết, xây dựng chương trình tour… Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion thẳng thắn chia sẻ: “Các DN lữ hành ở Khánh Hòa vẫn tổ chức các tour tham quan "địa chỉ đỏ" ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Khu di tích lưu niệm tàu C235 khi các đoàn khách có nhu cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có DN nào thường xuyên làm tour du lịch về nguồn, quảng bá tour du lịch đến các “địa chỉ đỏ”…”.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THANH - Giám đốc Sở Du lịch: Tỉnh và ngành Du lịch rất khuyến khích các DN phối hợp với địa phương để xây dựng, khai thác các tour du lịch về nguồn, đưa du khách tham quan các “địa chỉ đỏ”. Hiện nay, một số DN đã tổ chức tour, nhưng việc kết nối, giới thiệu, quảng bá các tour còn hạn chế… Sở Du lịch sẽ đề nghị Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa làm việc với các địa phương để xây dựng tour, tuyến cụ thể, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút du khách trong và ngoài nước; qua đó quảng bá về lịch sử của đất nước Việt Nam.

Theo đại diện các DN lữ hành, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa có nhiều sản phẩm để giới thiệu cho du khách như: Tham quan biển, đảo, tham quan di tích - danh thắng trong TP. Nha Trang, tắm bùn, đi tour sinh thái ở Công viên du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh)… Một du khách đến Nha Trang du lịch 2 - 3 ngày chưa trải nghiệm hết các sản phẩm, điểm đến nổi tiếng của du lịch xứ Trầm Hương. Chính vì vậy, không DN nào hào hứng với việc đầu tư xây dựng các tour tham quan các "địa chỉ đỏ", bởi loại hình du lịch này rất khó hút khách. “Số lượng di tích thực sự có giá trị, đủ sức hút với du khách không nhiều nên việc xây dựng tour khá khó khăn, cơ sở vật chất ở các điểm đến còn hạn chế, thiếu thuyết minh viên tại điểm đến… Muốn làm thành tour chất lượng cần phải có sự phối hợp giữa nhiều bên chứ một mình DN rất khó”, ông Nguyên cho biết.

Cần có sự phối hợp, liên kết

Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động du lịch, trong đó có việc phát huy các di tích lịch sử cách mạng. Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương. Trước hết, để phát triển du lịch về nguồn cần phải khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích lịch sử cách mạng, từ đó có kế hoạch trùng tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tạo cơ sở cho việc liên kết xây dựng tour, tuyến. Đồng thời, cần phải bồi dưỡng, đào tạo các thuyết minh viên dành cho các “địa chỉ đỏ”, tổ chức sưu tầm những câu chuyện xúc động gắn với di tích để có thể tạo sự hấp dẫn với di tích. Thực tế cho thấy, điều làm cho chuyến tham quan các địa chỉ lịch sử, văn hóa trở nên ý nghĩa chính là khả năng kể chuyện của hướng dẫn viên, thuyết minh viên, hay nói cách khác chính các hướng dẫn viên, thuyết minh viên mới là linh hồn để làm nên sức hấp dẫn của các điểm đến, các tour về nguồn. Đơn cử như Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma luôn tạo dấu ấn với khách tham quan, bởi ở đây có đội ngũ thuyết minh rất chất lượng. Họ đã biết thâu lượm những câu chuyện thực tế trong quá trình làm việc ở đây để bổ sung vào bài thuyết minh của mình, tạo nên câu chuyện chân thực, sống động, lấy được cảm xúc của khách tham quan.

 Thuyết minh viên giới thiệu về sự kiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988 tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Thuyết minh viên giới thiệu về sự kiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988 tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Liên quan đến việc xây dựng, khai thác các tour du lịch đến các "địa chỉ đỏ", ông Trương Sĩ Hải Trình - Phó Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Viện Hải Dương học gợi ý, hiện nay, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang gây ấn tượng rất tốt với khách tham quan, nhưng nếu chỉ một điểm này thì rất khó để xây dựng thành tour du lịch. Nhưng nếu các DN kết hợp với Bảo tàng Hải dương học thì có thể xây dựng thành tour du lịch xuyên suốt về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ở bảo tàng có Phòng trưng bày Hiện diện trên Biển Đông (với nhiều bản đồ, hình ảnh, hiện vật thể hiện người Việt đã thực thi chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa cách đây nhiều thế kỷ); công viên Trường Sa; đa dạng sinh học biển ở Trường Sa - Hoàng Sa. Sau đó, khách sẽ đi tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để hiểu thêm về những trang sử hào hùng trong gìn giữ chủ quyền biển, đảo dân tộc, tiêu biểu là sự kiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988… Việc khai thác các tour du lịch gắn với câu chuyện chủ quyền biển, đảo sẽ rất có ý nghĩa trên mặt trận ngoại giao của đất nước ta.

XUÂN THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202410/tao-suc-hap-dan-cho-du-lich-ve-nguon-75b48d3/
Zalo