Tạo sức bật trong năm 'bản lề'
6 tháng của năm 'bản lề' 2023 đã khép lại, nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của vùng đất 'thủ đô gió ngàn' Thái Nguyên là tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 5,17% - đạt khá và cao hơn so với bình quân chung cả nước, song lại thấp hơn so với cùng kỳ và chưa đạt được kỳ vọng là 8,5%/ năm. Do đó, cần quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và 'trợ lực' cho các trụ cột kinh tế phục hồi mạnh mẽ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2025.
Nhiều kết quả nổi bật
Thông qua Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 bằng hình ảnh được trình chiếu tại kỳ họp, bức tranh kinh tế đa màu sắc của Thái Nguyên 6 tháng đầu năm đã được thể hiện đậm nét. Theo đó, vượt qua những khó khăn thách thức, UBND tỉnh vẫn kiên trì với kịch bản tăng trưởng và nhanh chóng tập trung các nguồn lực, tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế, xã hội của Thái Nguyên đó chính là tỉnh đã hoàn thành công tác lập quy hoạch khi trở thành địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song với đó, vùng đất “ Thép” đã chứng minh bản lĩnh “vượt khó” của mình khi chèo lái con thuyền kinh tế đi qua thời điểm “khó khăn, thử thách nhiều hơn thời cơ, thuận lợi” khi duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP tăng 5,17% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm đạt gần 405.000 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn nắm vai trò dẫn dắt toàn ngành với giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm đạt gần 403.000 tỷ đồng, tăng gần 3,9% so với cùng kỳ.
Hoạt động đầu tư tiếp tục duy trì là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thái Nguyên. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách, với tổng số vốn trên 9.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng sản xuất với 13 dự án, tổng số vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD… Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết thúc tháng 6, tỷ lệ giải ngân đạt trên 36% kế hoạch vốn, thuộc nhóm 26 địa phương trên cả nước giải ngân cao trên 35% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Tỉnh cũng là một trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số….
Tháo gỡ các “nút thắt” về cơ chế
Mặc dù đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, song Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm nhận diện, tháo gỡ kịp thời như: tốc độ tăng trưởng chưa đạt kế hoạch, công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, một số dự án chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra... Tăng trưởng và quy mô kinh tế, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước những tác động từ bên ngoài còn hạn chế. “Sức khỏe” của các doanh nghiệp còn kém và chưa thực sự “hồi” lại sau cơn đại dịch Covid-19 kéo dài...
Để hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm 2023, các Ban HĐND tỉnh cơ bản đồng thuận, nhất trí cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm do UBND tỉnh đề ra trong những tháng cuối năm. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm “nuôi dưỡng” nguồn thu ngân sách, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất quyền sử dụng đất để bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án, công trình trong danh mục trong đầu tư công năm 2024, danh mục trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2024; sớm tháo gỡ các “nút thắt” về thu hút đầu tư ở các cụm công nghiệp; đẩy mạnh các công trình trọng điểm, nhất là các công trình mang tính chất kết nối vùng…
Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ lưỡng hơn về tình hình an ninh cơ sở; ở vùng có đông bà con dân tộc thiếu số. Cần sớm có giải pháp nhằm giảm các loại hình tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm phạm sở hữu; các loại hình tội phạm công nghệ cao; tăng cường các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác chống tham nhũng, nhất là trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh; quan tâm, làm rõ nguyên tắc, tiêu chí, tỷ lệ phân bố đối với các tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia…
Để tạo bứt phá trong những tháng cuối năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, trước những khó khăn thách thức cần “biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi”, nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra. Triển khai đúng tiến độ các công trình, dự án trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết “điểm nghẽn” trong áp dụng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong thực tiễn triển khai các nhiệm vụ.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng để các cơ quan, đơn vị và cơ sở tổ chức thực hiện. Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sớm đưa các khu, cụm công nghiệp đi vào sản xuất, kinh doanh…