Đến cuối 2024, ngân hàng giãn nợ cho hơn 1 triệu khách hàng gặp khó khăn sau đại dịch
Cử tri TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, ban hành chính sách về miễn, giảm thuế; giãn nợ, giảm lãi suất, không thu lãi hoặc được vay với lãi suất thấp, thủ tục vay vốn thuận lợi đối với người nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...
Trả lời kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân là các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
GẦN 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG DƯ NỢ TÍN DỤNG ĐƯỢC GIÃN, HOÃN
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành riêng 1 Nghị định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực tam nông. Trong đó, do đặc thù của ngành nông nghiệp và người nông dân luôn chịu tác động nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, tại Nghị định của Chính phủ đã quy định các cơ chế, chính sách rủi ro đặc thù như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng... Đồng thời, tại các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã quy định tổ chức tín dụng xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (như miễn, giảm lãi vay) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các chính sách trên, ngành ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động, dùng chính nguồn lực của mình để hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền đã giảm khoảng 50.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2020 tới nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng sau đại dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp), giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền thay vì bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn; từ đó tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp tục vay mới nhằm duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng theo thời hạn cơ cấu lại.
Kết quả, đến cuối năm 2024, đối với chính sách cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1 triệu khách hàng (bao gồm cả khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp) với giá trị nợ lũy kế là trên 700 nghìn tỷ đồng. Đối với chính sách cơ cấu cho khách hàng gặp khó khăn (sau chính sách cơ cấu Covid), các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 300 nghìn lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế là trên 255 nghìn tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các chính sách trên, ngành ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động, dùng chính nguồn lực của mình để hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền đã giảm khoảng 50.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi), ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau cơn bão số 3. Chính sách được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp…
Đến nay, đã có 35 ngân hàng đăng ký tham gia gói hỗ trợ với quy mô 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất; trong đó, dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp. Đến 30/11/2024, theo báo cáo các ngân hàng thương mại đã thực hiện: (i) cho vay mới theo các chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế là khoảng 43 nghìn tỷ đồng; (ii) hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu đối với dư nợ khoảng 102 nghìn tỷ đồng.
KHÓ KHOANH NỢ CHO CÁC KHÁCH HÀNG THUỘC LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
Cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung đối tượng các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực thương mại, dịch vụ (trong đó có đối tượng khách hàng đang kinh doanh tàu dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long)… bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ tương tự như đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang được quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018); thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm.
Trả lời vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không có quy định về khoanh nợ; do vậy, không có căn cứ pháp luật để Ngân hàng Nhà nước đề xuất khoanh nợ cho các đối tượng theo kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh. Riêng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả chính sách khoanh nợ) tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP được thực hiện theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do vậy, việc bổ sung các đối tượng khác không thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vào Nghị định số 55/2015/NĐ-CP là không phù hợp với Nghị quyết.
Cử tri tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi thiên tai để họ khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó nâng các mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Nghị định này theo trình tự, thủ tục rút gọn để chính sách tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực tam nông (trong đó có chính sách nâng mức cho vay không tài sản bảo đảm) sớm được triển khai trong thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
"Việc nới lỏng điều kiện cho vay mà không cần tài sản bảo đảm có thể làm tăng nguy cơ rủi ro tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính còn yếu. Do đó, việc mở rộng hình thức này cần phù hợp với năng lực quản trị, cơ cấu nguồn vốn của mỗi tổ chức tín dụng và dựa trên đánh giá kỹ về nhiều yếu tố, đặc biệt là phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ, sức khỏe tài chính của khách hàng.
Đồng thời, việc mở rộng hình thức này cần được thực hiện đi kèm với các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp, hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ trong đánh giá tín dụng để tránh tình trạng nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng".
Về kiến nghị có cơ chế cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước cho biết quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã giao thẩm quyền cho tổ chức tín dụng quyết định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau thiên tai, dịch bệnh.