Tạo sức bật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên thực hiện quyết liệt công tác dân tộc, triển khai hiệu quả các chính sách và chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư gần 782 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025 đã và đang tạo động lực mạnh mẽ, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Đường giao thông ở xóm Hạ Sơn Tày (xã Thần Sa, Võ Nhai) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719.
Cuối năm 2024, xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) có thêm 4 tuyến đường nội xóm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, với tổng chiều dài trên 400m, tổng mức đầu tư trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Đây là những công trình được đầu tư theo dự án thành phần thuộc Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021-2025.
Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, chia sẻ: 4 tuyến đường nêu trên cùng với tuyến đường bê tông trục chính ở xóm Bản Tèn (dài 2,3km, kinh phí đầu tư gần 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719) đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông và tạo điều kiện để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Qua đó thu hút thêm nhiều khách du lịch, mở ra cơ hội giảm nghèo, phát triển kinh tế cho bà con dân tộc Mông nơi đây.

Phụ nữ dân tộc Mông ở xóm Lân Quan (xã Tân Long, Đồng Hỷ) tham gia phát triển du lịch cộng đồng.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được gần 782 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương cùng với các nguồn lực lồng ghép khác. Nguồn vốn này được đầu tư hiệu quả vào nhiều lĩnh vực thiết yếu, cụ thể như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho trên 200 hộ khó khăn; xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ trên 500 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Tỉnh cũng hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTTQ 1719, tỉnh đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc đổ bê tông; 100% các xóm thuộc vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xóm được cứng hóa; tất cả trường lớp học được xây dựng kiên cố; 100% các xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Bên cạnh đó, có 96,7% số hộ vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xóm có điện lưới quốc gia và tất cả các hộ dân được sử dụng điện; 100% các xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại.
Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã giảm mạnh từ 9,72% (năm 2022) xuống còn 3,16% (cuối năm 2024), với mức giảm bình quân là 2,18%/năm (đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).
Thu nhập bình quân của các hộ đồng bào DTTS trong toàn tỉnh cũng tăng nhanh (năm 2024 đạt 51,07 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2020).
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được tỉnh coi trọng, thực hiện hiệu quả. Qua đó tạo động lực, điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tự chủ trong phát triển kinh tế. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thương mại, giúp các sản phẩm của đồng bào DTTS tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Các chương trình đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động cũng được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Với những giải pháp đồng bộ và tinh thần quyết tâm cao, chắc chắn Thái Nguyên sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.