Tạo sức bật cho các doanh nghiệp nhà nước

Làm gì để các doanh nghiệp nhà nước tạo sức bật trong kỷ nguyên mới- Đó là chia sẻ của một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Làm gì để các doanh nghiệp nhà nước tạo sức bật trong kỷ nguyên mới- Đó là chia sẻ bên hành lang Kỳ họp ngày 5/11 của một số đại biểu Quốc hội khi trao đổi về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Đề cập vấn đề muốn bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, đất nước phải duy trì tăng trưởng 7%/năm trong 10 năm tới, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, nếu không giữ được nhịp phát triển dó, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Song muốn “vươn mình bền vững” thì không thể dựa vào các doanh nghiệp FDI, bắt buộc phải dựa vào các doanh nghiệp trong nước. Để thực hiện điều đó, các doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia phải đổi mới khoa học công nghệ; đổi mới sáng tạo; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát huy các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…

Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp lớn trong giai đoạn này rất quan trọng, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, các doanh nghiệp nhà nước phải dùng sức mạnh hiện có để tạo bước đột phá; phải có trách nhiệm vụ, sứ mệnh sử dụng vốn nhà nước để đầu tư hiệu quả, để dẫn dắt nền kinh tế. Theo đại biểu phân tích, thế mạnh của các doanh nghiệp nhà nước đang có hiện nay là vốn. Vốn đầu tư của Nhà nước ở các doanh nghiệp này cũng rất lớn, kể cả nhóm ngân hàng Big4 ở Việt Nam (4 ngân hàng lớn nhất tại thị trường Việt Nam, bao gồm: BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank).

Do đó phải tận dụng nguồn vốn này, nếu không tập trung chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn đó sẽ không sử dụng hiệu quả, không khai thông nguồn vốn này, dẫn tới những thiệt hại.

Cho rằng doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia hiện nay "như EVN, Viettel đã sẵn sàng", đại biểu Bình Dương dẫn ví dụ: Điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực năng lượng hoàn toàn mới. Ngoài EVN, không phải doanh nghiệp trong nước nào cũng phát triển được điện gió ngoài khơi. Nếu không dựa vào những doanh nghiệp đầu đàn này để làm sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu chỉ dựa vào những doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta không phải là nền kinh tế thị trường. “Ý của tôi muốn nói là trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên vươn mình thì doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng, tạo bước đột phá, khai thông ngay từ đầu. Sau đó chúng ta xây dựng chính sách cho các doanh nghiệp khác”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Làm được điều này, chúng ta sẽ phá được những rào cản mà doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải do vướng một số thể chế, bức tường ngăn cách quá lớn cho các doanh nghiệp đang gặp khiến rất khó để đổi mới sáng tạo- Đại biểu chia sẻ.

“Tôi nghĩ rằng để doanh nghiệp nhà nước tạo sức bật trong kỷ nguyên mới thì trước hết phải tháo gỡ về chính sách, sau đó phải tuyển dụng người tài năng về mặt quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải tiến hành triệt để. Làm tốt 3 việc này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển”, đại biểu nhấn mạnh.

Chia sẻ bên hành lang kỳ họp về thu ngân sách Nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cũng cho rằng, cần phải tăng động lực, sức mạnh cho các doanh nghiệp trong nước, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Để nguồn thu từ doanh nghiệp trong nước bền vững hơn thì phải tăng tự chủ. Các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn lớn phải làm trụ cột, đồng thời những doanh nghiệp khác phải tham gia được vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đó. Chúng ta phải có các chiến lược trong việc đầu tư để tạo lập các doanh nghiệp trong nước trở thành những doanh nghiệp trụ cột”, đại biểu nhấn mạnh.

“Chúng ta đang có ý định triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, tôi cho rằng nếu tiếp tục dựa vào các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta sẽ không có một ngành công nghiệp đường sắt của các nhà đầu tư trong nước. Nhưng nếu chiến lược của chúng ta theo hướng bắt buộc phải chuyển giao công nghệ cho các tập đoàn trong nước thì khi đó, chúng ta không chỉ có một ngành công nghiệp đường sắt, mà còn có những doanh nghiệp trong nước, những tập đoàn mạnh trong nước đứng đầu lĩnh vực về sản xuất công nghiệp đường sắt và hàng loạt các doanh nghiệp khác đi theo chuỗi cung ứng đó để tạo nên một mạng kết nối. Khi đó thì thực sự nguồn thu trong nước chúng ta cũng sẽ được nâng lên”, đại biểu bày tỏ.

Chia sẻ thêm về thu ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ những nguồn thu từ trước đến nay hầu như đang bị bỏ lỏng, điển hình là thu trên các giao dịch điện tử. “Rất mừng là Phó Thủ tướng đã nói rằng tới đây sẽ ra mắt một phần mềm AI để quản lý tự động tất cả các giao dịch điện tử. Tôi cho rằng đây sẽ là một cơ sở rất quan trọng để tăng nguồn thu, đồng thời cũng đảm bảo công bằng giữa những người tham gia vào kinh doanh trên mạng cũng như là kinh doanh trực tiếp”, đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-suc-bat-cho-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc/352390.html
Zalo