Tạo sự an toàn, thân thiện và minh bạch

Trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới chính phủ số, việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân và dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp thiết.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của người dân.

Thời gian qua, hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân trên không gian mạng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều vụ việc cho thấy thông tin của người dân như số điện thoại, số căn cước công dân, số hợp đồng điện, tài khoản ngân hàng… bị tiết lộ, dẫn đến các hành vi quấy rối, đe dọa, lừa đảo hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như vay tín chấp, mở tài khoản đánh bạc trực tuyến.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía, trong đó có cả việc thiếu trách nhiệm trong bảo vệ dữ liệu cá nhân của một số cán bộ, tổ chức được giao nhiệm vụ kiểm soát và xử lý thông tin. Có những trường hợp rò rỉ dữ liệu không vì mục đích vụ lợi, nhưng do hạn chế về nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo mật…

Nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý và xử lý dữ liệu điện tử, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 190/2025/NĐ-CP bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước. Theo đó, mọi hoạt động thu thập, lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu trong quá trình xử lý vi phạm hành chính hay giải quyết thủ tục hành chính đều phải bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực, an toàn và đúng mục đích, đúng phạm vi theo quy định pháp luật. Việc xử lý vi phạm hành chính trực tuyến chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, Nghị định số 190/2025/NĐ-CP sẽ góp phần tích cực xây dựng mô hình tổ chức hành chính tinh gọn, linh hoạt, tránh khoảng trống pháp lý khi cơ cấu tổ chức thay đổi. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, cán bộ, công chức các cơ quan hành chính phải tổ chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử một cách hợp pháp, minh bạch, khách quan và an toàn thông tin, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Việc số hóa thủ tục hành chính phải đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đồng thời bảo đảm quyền được bảo vệ thông tin cá nhân.

Để tạo ra môi trường an toàn thông tin bền vững, các bộ, ngành địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, đẩy nhanh việc ứng dụng chữ ký số, tài khoản định danh điện tử VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường đồng bộ dữ liệu và mã hóa thông tin cá nhân, áp dụng hệ thống kiểm soát truy cập, lưu vết xử lý dữ liệu nhằm truy nguyên nguồn rò rỉ khi cần thiết. Bên cạnh đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là bộ phận “một cửa”, thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng về bảo mật thông tin. Cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử phải nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân, không để xảy ra tình trạng “lộ lọt” do sơ suất hoặc thiếu hiểu biết.

Người dân chỉ thực sự lựa chọn thủ tục hành chính trực tuyến khi họ cảm thấy an toàn, tin tưởng vào hệ thống và đội ngũ thực thi. Do đó, cùng với việc phát triển nền tảng công nghệ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền được bảo vệ thông tin, các hình thức lừa đảo công nghệ, và cơ chế tố cáo, khiếu nại khi bị xâm hại dữ liệu.

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số không chỉ là cải tiến quy trình, mà còn là xây dựng một môi trường hành chính hiện đại, minh bạch, an toàn và thân thiện, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tao-su-an-toan-than-thien-va-minh-bach-709294.html
Zalo