Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bảo hiểm xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trước những thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 7/2025, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện hành vi gọi điện, nhắn tin, lập website giả mạo, giả danh cán bộ Bảo hiểm xã hội nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản của người dân.
Thời gian gần đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân về việc bị nhiều đối tượng tự xưng là cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội, yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID.

Một trường hợp cụ thể, anh T.H.T (tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0924.635.xxx, người gọi tự xưng là cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, thông báo hồ sơ của anh cần đồng bộ dữ liệu căn cước công dân và yêu cầu đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để cập nhật thông tin.
Khoảng 15 phút sau, người này tiếp tục gọi lại, hỏi anh T có sử dụng ứng dụng VssID không. Khi anh xác nhận có sử dụng, đối tượng nói anh không cần đến cơ quan Bảo hiểm xã hội mà nên gọi đến một số điện thoại khác để được hướng dẫn cập nhật trực tuyến. Không lâu sau, người này lại gọi lại lần thứ ba, nói đang bận xử lý công việc và sẽ chuyển hồ sơ của anh T cho một người khác (số điện thoại 0949.025.xxx) để hỗ trợ.
Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, anh T đã chủ động liên hệ với Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai để xác minh. Qua kiểm tra, cơ quan này khẳng định không có cán bộ nào sử dụng các số điện thoại trên và hiện nay cũng không có chủ trương gọi điện hay nhắn tin yêu cầu người dân, người lao động đồng bộ căn cước công dân hoặc cập nhật thông tin qua ứng dụng VssID
Trong một số trường hợp khác, các đối tượng này còn yêu cầu người dân cập nhật thông tin với lý do “từ ngày 1/7/2025, hệ thống giao dịch điện tử sẽ thay đổi, nếu không cập nhật sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc nhận lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế” nhằm tạo tâm lý hoang mang và thúc ép người dân làm theo hướng dẫn.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện một website giả mạo có tên miền, giao diện và hình ảnh tương tự với Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành này. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo, website giả mạo có thể được sử dụng để mạo danh ngành, gửi đường dẫn lừa đảo nhằm yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế… từ đó thực hiện hành vi đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
“Đây là thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, tinh vi, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trước những thay đổi về chính sách để trục lợi bất chính”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn tài sản và thông tin cá nhân của người dân, doanh nghiệp và tránh gây ảnh hưởng, làm mất niềm tin vào các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với các đơn vị chức năng để truy vết, xác định website giả mạo nêu trên.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực xử lý, chặn lọc các trang web giả mạo nhằm đảm bảo an toàn thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp để tránh nhầm lẫn, trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Trung tâm này khuyến cáo, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ sử dụng duy nhất một địa chỉ chính thức là https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn với cấu trúc tên miền “.gov.vn” (dành riêng cho các cơ quan nhà nước). Bảo hiểm xã hội Việt Nam không sử dụng các tên miền như ".com.vn", ".com", ".me"... mà các trang giả mạo thường dùng để đánh lừa người truy cập.
Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công chính thức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được gắn nhãn chứng nhận tín nhiệm mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, hiển thị ở cuối trang. Người dân có thể kiểm tra thông tin xác thực tại địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn/danh-ba-tin-nhiem/.
Thêm vào đó, nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi giao dịch trên môi trường mạng. Cụ thể, người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không cung cấp mã OTP, mật khẩu cá nhân hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người lạ qua điện thoại, tin nhắn hoặc liên kết không xác thực. Đồng thời, cần kiểm tra kỹ lưỡng và xác minh thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Khi có nhu cầu cập nhật hoặc điều chỉnh thông tin cá nhân liên quan đến bảo hiểm xã hội, người dân cần trực tiếp liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương để được hỗ trợ chính xác. Ngoài ra, có thể thực hiện qua các kênh chính thức và an toàn như Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID hoặc tổng đài 1900 9068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khuyến nghị người dân và các đơn vị sử dụng lao động cần chủ động phòng ngừa, nâng cao nhận thức, không để trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng.