Giảm chi phí điện năng nhờ khai thác lợi ích của điện mặt trời mái nhà

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp là giảm hóa đơn tiền điện hằng tháng, từ đó bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nâng cao giá trị thông qua hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại Lạng Sơn. (Ảnh: LÊ CHI)

Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại Lạng Sơn. (Ảnh: LÊ CHI)

Cần khai thác hiệu quả năng lượng mặt trời

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tiềm năng bức xạ mặt trời ở Việt Nam là rất lớn với cường độ bức xạ dao động từ 897 đến 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2.46 và 5.77 kWh/m2/ngày. Tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cũng được tính toán đạt hơn 140.000MW, chỉ riêng các khu công nghiệp hiện có và nằm trong quy hoạch, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà ước tính gần 20.000MW (nếu mỗi khu công nghiệp cho phép lắp đặt 50MWp).

Trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu ròng năm lượng từ năm 2015 và sự chuyển dịch năng lượng hiện nay trên thế giới, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cũng khẳng định: Sau khi nhìn lại về các lợi thế cũng như cân nhắc về các thách thức, khó khăn để phát triển ở nước ta thời gian qua thì điện mặt trời mái nhà thể hiện tính ưu việt khá lớn so với các loại hình khác.

"Mô hình này có thể sử dụng mái nhà hiện có của khu công nghiệp, nhà dân hay công sở với nhiều loại quy mô từ vài kWp đến vài MWp. Chi phí đầu tư điện mặt trời mái nhà hiện nay đã giảm, trong khi xu hướng hiện nay nhiều hộ dân và khu công nghiệp cũng đã lắp đặt hệ thống này, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia đặc biệt là trong mùa nắng nóng", chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nói thêm.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện EVN mua từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong năm 2023 đạt hơn 11 tỷ kWh, chiếm 3,97% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống. Số liệu này được ghi nhận tính đến ngày 31/12/2023, với 103.509 hệ thống ĐMTMN và công suất khoảng gần 9,6 triệu kWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện. Trong năm 2024, EVN đã huy động khoảng 12 tỷ kWh điện từ hệ thống ĐMTMN.

Góp phần giảm tiền điện

Sau tìm hiểu và được hướng dẫn từ cán bộ điện lực, năm 2024, với chi phí hơn 200 triệu đồng gia đình, gia đình chị Trần Thu Thùy tại phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 18kWp, kèm theo bộ lưu trữ (BESS) dung lượng 16,1kWh.

Khi được hỏi về mô hình, chị Thùy hồ hởi chia sẻ: Sau khi tìm hiểu và thấy chi phí lắp đặt cũng đã giảm so với trước gia đình quyết định lắp đặt hệ thống. Nhà nhiều trẻ con, nên sử dụng điều hòa gần như là 24/24 giờ. Nhờ mô hình này, thay vì phải trả gần gần 5 triệu cho tiền điện thì nay mức chi phí của gia đình chị giảm xuống chỉ còn từ 600.000-800.000 đồng/tháng. Đây cũng là chi phí dành cho điện lưới sử dụng trong khoảng thời gian từ 3-6 giờ sáng khi không có mặt trời và hệ thống lưu trữ năng lượng sử dụng hết.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban kinh doanh EVN cũng nhấn mạnh, lợi ích cụ thể đối với các hộ gia đình sử dụng điện, khi mức tiêu thụ điện từ bậc từ 401kWh trở lên thì giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Như vậy, khi sử dụng điện mặt trời mái nhà thì ở mức giá cao nhất và đó là lợi ích thiết thực đối với người dân.

 Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Crytal Martin. (Ảnh: LÊ CHI)

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Crytal Martin. (Ảnh: LÊ CHI)

Tương tự Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Vân Trung đã triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất 2.675kWp, hệ thống này vừa góp phần giảm chi phí điện năng, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn "xanh" trong xuất khẩu hàng hóa.

Tổng Giám đốc Crystal Martin Việt Nam Oun Kaowsiri chia sẻ: Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp rất quan trọng mà Crystal Martin đã triển khai từ năm 2019. Hiện, doanh nghiệp đã hoàn thành giai đoạn 3 giúp tiết kiệm khoảng 3 triệu kWh mỗi năm.

Dự kiến, trong 3-4 năm tới, doanh nghiệp sẽ hoàn thành 2 giai đoạn còn lại để đưa tổng sản lượng điện lên tới 6 triệu kWh/năm, tiết kiệm khoảng 40% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy. Hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào cũng như đạt được mục tiêu của Crystal Group và Crystal Martin là giảm 35% lượng phát thải CO2 vào năm 2030.

 Nguồn điện mặt trời mái nhà được khai thác để sử dụng sản xuất trong doanh nghiệp. (Ảnh: LÊ CHI)

Nguồn điện mặt trời mái nhà được khai thác để sử dụng sản xuất trong doanh nghiệp. (Ảnh: LÊ CHI)

Có thể thấy, trong bối cảnh thời tiết cực đoan và nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nâng cao tính ổn định và chủ động trong sử dụng điện, đồng thời tiết kiệm chi phí lâu dài cho người dùng.

Hơn nữa, việc phát triển năng lượng xanh còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trên thị trường quốc tế.

LÊ CHI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giam-chi-phi-dien-nang-nho-khai-thac-loi-ich-cua-dien-mat-troi-mai-nha-post894163.html
Zalo