Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Mục tiêu của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là tư vấn, kiến nghị về chính sách góp phần tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo bình đẳng trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật, quản trị và hoạt động tốt hơn.

Năm 2024, ước doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt trên 2,03 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa

Năm 2024, ước doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt trên 2,03 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán về tài chính đạt trên 99%

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP. Đặc biệt, việc "hồi sinh" những dự án lớn đã góp phần tích cực chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Mỗi DN hoạt động trong lĩnh vực khác nhau, vì vậy khi đánh giá, KTNN phải căn cứ trên mặt bằng chung của thị trường, không thể so sánh đơn thuần các năm, giữa DN này với DN khác hay chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh kiến nghị về cơ chế, chính sách, KTNN kiến nghị xử lý tài chính và chỉ ra những hạn chế để DN khắc phục, vừa giúp DN tuân thủ pháp luật và hoạt động tốt hơn, vừa đảm bảo minh bạch nền tài chính quốc gia.

Ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI

Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu ước đạt trên 2,03 triệu tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và 156% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 206.200 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và 105% so với cùng kỳ.

Về đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 160.000 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các giá trị thực hiện đầu tư của một số dự án lớn, trọng điểm như: Hoàn thành Dự án đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đạt khoảng 87%; Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đạt khoảng 97%; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đạt khoảng 120%...

Từ góc nhìn của KTNN, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo đánh giá, bức tranh quản lý tài chính của DN thông qua kết quả kiểm toán cho thấy nhiều điểm sáng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Đây là nỗ lực rất lớn của các DN trong bối cảnh nền kinh tế cần nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều DN đã có đủ sức mạnh, nền tảng để cạnh tranh trên thị trường và có sức bật tốt, được KTNN ghi nhận, chẳng hạn như các DN lĩnh vực: Viễn thông, dầu khí, điện lực.

Một điểm rất nổi bật là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện kiến nghị tài chính của KTNN rất tốt, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán trong các năm gần đây đều trên 99%/năm. Ngoài kiến nghị về tài chính, KTNN còn tư vấn, hỗ trợ DN sửa đổi hệ thống quản trị và các DN rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của KTNN. Với những kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các DNNN phối hợp chặt chẽ với KTNN. Tất nhiên, để có thể sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cần nhiều thời gian, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và DN vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành trong thời gian các cơ quan quản lý hoàn thiện các quy định pháp luật.

Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo nhấn mạnh, mục tiêu của KTNN là tư vấn về chính sách cho cơ quan có thẩm quyền để tạo môi trường thông thoáng cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo nên tính bình đẳng trên thị trường. Đồng thời, kiến nghị DN chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành và kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Năm 2024, qua kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã đưa ra 41 kiến nghị đối với Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 11 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung văn bản.

Các kết luận, kiến nghị kiểm toán tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của doanh nghiệp

Để thích ứng những thay đổi nhanh chóng của thị trường, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo cho rằng, bản thân các DN phải nỗ lực hơn nữa; đồng thời các quy định liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng, phục vụ sản xuất kinh doanh phải động bộ, sát với thực tiễn để DN có môi trường hoạt động thông thoáng hơn. KTNN thông qua quá trình kiểm toán sẽ tiếp tục có những kiến nghị về cơ chế đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, KTNN luôn hỗ trợ, sẵn sàng giải đáp cho DN những nội dung, vấn đề còn vướng mắc. KTNN cũng đồng hành cùng DN và tham gia các hội thảo, tọa đàm chuyên môn để chia sẻ, thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, qua đó ghi nhận, tiếp thu và thấu hiểu DN hơn.

Hoạt động kiểm toán phải đảm bảo mục tiêu đúng quy định pháp luật, nhưng cũng phải tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của DN. Từ đó, DN tuân thủ và cải thiện hiệu quả quản trị, sản xuất kinh doanh; còn KTNN nâng cao chất lượng hoạt động cũng như vị thế, vai trò trong việc kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài chính công, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm toán trên tinh thần “trách nhiệm và uy tín”, thời gian tới, các Đoàn kiểm toán chủ động thu thập các thông tin về đơn vị được kiểm toán, chú trọng đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, xác định nội dung kiểm toán trọng tâm, các phương pháp kiểm toán phù hợp để xây dựng kế hoạch sát thực, tiết kiệm, hiệu quả khi thực hiện.

KTNN sẽ tăng cường tổ chức tự đào tạo tập trung vào nội dung và giải pháp cụ thể gắn với đặc điểm DN được kiểm toán năm 2025, trong đó chú trọng cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 tại các doanh nghiệp”, chuyên đề “Hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến thu NSNN tại Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế”... Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về phân tích dữ liệu và ứng dụng AI, nâng cao kiến thức kinh tế vĩ mô để các đánh giá, nhận xét có tính bao quát hơn.

Bên cạnh đó, KTNN đi sâu đánh giá việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của DN dựa trên các cơ sở như: Số liệu diện tích đất sử dụng, hiệu suất sử dụng tài sản, tiến độ đầu tư, tài sản không sử dụng...; tăng cường kiểm toán hoạt động trong kiểm toán báo cáo tài chính; chú trọng phân tích, đánh giá bản chất và nguyên nhân các sai phạm, hạn chế, bất cập để kết luận, kiến nghị kiểm toán đảm bảo đúng, trúng, khả thi; chú trọng đánh giá bất cập về cơ chế, chính sách, vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, nổi cộm đang được Đảng, Nhà nước và dư luận quan tâm.

Tất cả công chức của KTNN phải thường xuyên cập nhật các văn bản mới của Ngành cũng như quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các DN; hiểu rõ, thực hiện nghiêm túc các quy định, trong đó chú trọng thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Kết thúc các cuộc kiểm toán, KTNN gửi văn bản lấy ý kiến DN đánh giá về chấp hành pháp luật và đạo đức công vụ của thành viên Đoàn kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc cũng như thêm cơ sở để đánh giá công chức cuối năm./.

BẮC SƠN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-phat-trien-37901.html
Zalo