Tạo môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ, thuận lợi
Thảo luận ở tổ chiều 10/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, một số ĐBQH thống nhất với dự thảo luật và góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần tạo môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái): Hoàn thiện khung pháp lý để giúp doanh nghiệp phát triển an toàn, chống rủi ro tài chính

Tôi tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là cá nhân” để đáp ứng yêu cầu tại Khuyến nghị số 24 của FATF về minh bạch về quyền sở hữu hưởng lợi của pháp nhân. Theo quy định tại dự thảo luật, doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện trách nhiệm kê khai, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa có quy định riêng về chủ sở hữu hưởng lợi. Nếu không quy định rõ ràng về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ có rủi ro là thiếu cơ chế xác định và công khai chủ sở hữu hưởng lợi tạo nhiều kẽ hở pháp lý cho các hành vi bất hợp pháp.
Quy định chủ sở hữu hưởng lợi giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu và điều hành doanh nghiệp; theo nhận xét của chuyên gia, đưa chủ sở hữu hưởng lợi vào Luật Doanh nghiệp sẽ “giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu, ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư quốc tế”. Ở góc độ quản trị, khi thông tin về người kiểm soát doanh nghiệp được công bố, trách nhiệm của người đại diện pháp luật và ban lãnh đạo công ty được tăng cường. Đây cũng là cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết: yêu cầu minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi nhằm bảo vệ sự liêm chính trong quản trị doanh nghiệp và thị trường tài chính.
Để hoàn thiện hơn, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong việc cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu; bổ sung chế tài xử lý nghiêm trường hợp kê khai sai lệch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi (xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng) nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi.
Việc hoàn thiện các quy định trên sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý minh bạch, đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp phát triển an toàn và giúp cơ quan quản lý đạt hiệu quả trong phòng, chống rủi ro tài chính.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh): Nên quy định giá thị trường của cổ phần doanh nghiệp phù hợp thông lệ quốc tế

Về giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 14 Điều 4 Luật Doanh nghiệp về cách xác định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, theo đó, thay cách xác định theo giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó bằng giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày đối với cổ phiếu đã niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Đề nghị cân nhắc việc sửa đổi này bởi các lý do sau: giá bình quân trong 30 ngày có thể không phản ánh chính xác giá trị tài sản; để xác định giá thị trường, dự thảo luật quy định nhiều phương thức khác nhau như giá bình quân; giá thỏa thuận giữa người bán, người mua; giá do tổ chức thẩm định giá xác định, nhưng chưa quy định cách thức lựa chọn trong trường hợp giá thị trường xác định theo mỗi phương thức nêu trên cho kết quả khác nhau.
Việc xác định giá thị trường/giá trị hợp lý là vấn đề phức tạp và đã được quy định chi tiết trong chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế mà Việt Nam đang nghiên cứu áp dụng bắt buộc cho một số loại doanh nghiệp (ví dụ như công ty niêm yết và công ty có 100% vốn nước ngoài). Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để chỉnh lý các quy định này cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Trường hợp cần thiết vẫn quy định cách xác định giá thị trường như hiện nay thì cần bổ sung cách tính giá thị trường nào sẽ được ưu tiên áp dụng khi các cách tính cho ra giá khác nhau để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang): Cắt giảm các rào cản về giấy phép con cho doanh nghiệp

Tôi nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung kịp thời một số nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là quyền kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật.
Đồng thời, rà roát các luật và văn bản dưới luật để bảo đảm các ngành nghề cấm kinh doanh được luật hóa, tránh trường hợp quy định ở các văn bản dưới luật dẫn đến hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Về nguyên tắc chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm; nguyên tắc này được luật hóa sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, các rào cản về giấy phép con cho doanh nghiệp, vì hiện nay các điều kiện kinh doanh chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, có nhiều điều kiện không cần thiết làm phát sinh thêm nhiều giấy phép con, khiến doanh nghiệp bị kìm hãm gia nhập, hoạt động, tốn thời gian và chi phí không cần thiết. Tôi đề nghị bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào kết quả thực hiện các thủ tục này sẽ giúp tăng tính kịp thời, tính tuân thủ để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về cắt giảm thủ tục hành chính, xem xét bỏ các nội dung yêu cầu trong đăng ký doanh nghiệp như: yêu cầu bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên, mà nên sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc doanh nghiệp mất thời gian, chi phí đi công chứng.
Cân nhắc lại quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một số nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như Điều lệ, chữ ký của chủ doanh nghiệp… Đây là những nội dung doanh nghiệp có thể thường xuyên thay đổi; đồng thời, luật hiện hành đã quy định những nội dung chính về Điều lệ rất đầy đủ, khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh lần đầu đã phải bảo đảm các nội dung này. Do vậy nên bỏ quy định này để tránh mất thời gian, chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên): Lượng hóa các tiêu chí

Trong bối cảnh mới, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là bước đi cần thiết. Đối với các quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” và “cá nhân có quyền chi phối doanh nghiệp” (điểm d khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 37 của Điều 4 Luật Doanh nghiệp hiện hành), tôi kiến nghị cần lượng hóa rõ các tiêu chí, chẳng hạn như quyền quyết định về tài chính, nhân sự chủ chốt hoặc chiến lược hoạt động. Những quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường minh bạch sở hữu, phù hợp với yêu cầu phòng, chống rửa tiền và các thông lệ quốc tế.
Liên quan đến khái niệm “chấm dứt hoạt động” và “chấm dứt tồn tại”, tôi nhận thấy hiện vẫn còn sự thiếu thống nhất trong cách hiểu và áp dụng. Với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, có thể ngừng hoạt động dự án đầu tư nhưng chưa mất tư cách pháp nhân; vì vậy, để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tôi kiến nghị sử dụng thống nhất khái niệm “chấm dứt tồn tại”.