Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự thảo sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đã được đưa ra thảo luận. Dự thảo có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các lĩnh vực mới như sản xuất và lắp ráp ô tô được đưa vào danh mục ưu đãi thuế TNDN. Ảnh tư liệu

Các lĩnh vực mới như sản xuất và lắp ráp ô tô được đưa vào danh mục ưu đãi thuế TNDN. Ảnh tư liệu

Tiếp cận thông lệ quốc tế trong cải cách thuế

Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ra đời từ năm 2008 và từng trải qua 3 lần sửa đổi (2013, 2014, 2020). Từ khi được ban hành cho tới nay, thuế TNDN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng ổn định cho doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như thương mại điện tử, khung pháp lý hiện hành chưa có các quy định toàn diện để quản lý hiệu quả những loại hình kinh doanh này. Đồng thời, các chính sách ưu đãi thuế, bao gồm miễn và giảm thuế, cũng cần được điều chỉnh để tập trung vào đúng đối tượng thụ hưởng và các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu. Do đó, Chính phủ đã xây dựng một dự thảo sửa đổi luật thuế toàn diện nhằm đảm bảo tính cập nhật, đồng bộ và phù hợp với xu thế phát triển không ngừng của nền kinh tế.

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, thực thi thông qua GIZ Việt Nam, một chuỗi hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai nhằm góp phần hỗ trợ Bộ Tài chính trong sửa đổi Luật Thuế TNDN.

Cụ thể, đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam đã thực hiện chuyến khảo sát tại Đức nhằm trao đổi và nghiên cứu các mô hình tiên tiến liên quan đến cơ sở tính thuế, ưu đãi thuế, thuế suất, cũng như các biện pháp phòng, chống hành vi tránh thuế. Trong khuôn khổ chuyến công tác, các buổi làm việc với Bộ Tài chính Liên bang Đức và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức đã cung cấp góc nhìn mới về các yếu tố thu hút doanh nghiệp Đức khi đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, các phiên trao đổi với Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức đã giúp đoàn công tác nắm bắt sâu hơn về chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, một hội thảo tham vấn đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, mang lại những kinh nghiệm thực tiễn và thông lệ quốc tế để đóng góp vào quá trình hoàn thiện dự thảo luật. Những ý kiến đóng góp này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống pháp luật thuế, mà còn đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì nguồn thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thúc đẩy môi trường đầu tư, phù hợp thông lệ quốc tế

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 4 chương và 20 điều, tập trung vào các cải cách quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thuế, thúc đẩy môi trường đầu tư, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với thông lệ quốc tế.

Một điểm mới nổi bật là việc mở rộng định nghĩa về thu nhập miễn thuế, bao gồm các khoản thu từ chuyển nhượng tín chỉ carbon, trái phiếu xanh và lãi suất từ các công cụ tài chính thân thiện với môi trường. Quy định này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Dự thảo cũng đề xuất giảm thuế suất thuế TNDN xuống 15% hoặc 17% cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tùy thuộc vào mức doanh thu hàng năm. Bên cạnh đó, bổ sung thuế suất 2% trên tổng doanh thu đối với các tổ chức nước ngoài thực hiện chuyển nhượng vốn hoặc tài sản tại Việt Nam.

Về ưu đãi thuế, các lĩnh vực mới như sản xuất và lắp ráp ô tô, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa vào danh mục ưu đãi. Ngược lại, các dự án đầu tư mới có vốn trên 6.000 tỷ đồng và các khu công nghiệp sẽ không còn nằm trong danh sách hưởng ưu đãi thuế. Điều này đánh dấu sự điều chỉnh lớn trong chiến lược thu hút đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo đưa ra quy định thu thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kể cả khi không có hiện diện vật lý tại Việt Nam. Khái niệm "cơ sở thường trú ảo" được áp dụng nhằm quản lý hiệu quả các giao dịch số, phù hợp với mô hình mà các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và EU đã thực hiện.

Dù mang đến nhiều đổi mới tích cực, vẫn còn những vấn đề cần làm rõ trước khi thông qua dự thảo. Điển hình là việc xác định cụ thể cơ chế thu thuế đối với các doanh nghiệp TMĐT không có trụ sở tại Việt Nam để đảm bảo tính khả thi. Để hoàn thiện dự thảo bộ luật quan trọng này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc xây dựng cơ chế thu thuế hiệu quả và phát triển các hệ thống kỹ thuật số nhằm giám sát và thu thập dữ liệu từ các giao dịch trực tuyến.

Tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng hơn

Theo kế hoạch, Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch và bền vững. Với sự hợp tác chặt chẽ cùng các đối tác quốc tế, cải cách này không chỉ kỳ vọng củng cố nền tài chính quốc gia mà còn đặt nền móng vững chắc để Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tao-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-khuyen-khich-doanh-nghiep-dau-tu-167412-167412.html
Zalo