Thanh khoản 'cổ phiếu quốc dân' dẫn đầu toàn thị trường
Với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 15 triệu đơn vị, thanh khoản cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) vươn lên đứng đầu toàn thị trường. Chốt phiên 2/1, cổ phiếu này tăng lên mức 27.000 đồng/cp.
Nhìn lại năm vừa qua, thị giá HPG trồi sụt tương đối dữ dội. Sau khi tiến sát mốc 30.000 đồng/cp, mức cao nhất 2 năm qua, vào giữa tháng 6, cổ phiếu này bắt đầu điều chỉnh dần và đang đi ngang quanh mốc 26.000 đồng/cp.
Theo đó, tài sản của “vua thép” Trần Đình Long giảm từ 2,6 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD (-8%).
Trong thông tin mới đây, Hòa Phát ghi nhận tổng quỹ đất khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch là hơn 1.133 ha, tập trung tại các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam. KCN Phố Nối A đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%, thu hút 164 doanh nghiệp trong ngoài nước đang hoạt động.
Giai đoạn 2 của dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng cũng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Các lô đất sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy KCN Yên Mỹ II hiện đạt gần 50%.
Phía doanh nghiệp cho biết đang tích cực triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô 31 ha tại KCN Yên Mỹ II. Dự án này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp tại địa phương, đồng thời tạo động lực phát triển cho KCN.
Đáng chú ý, Tập đoàn Hòa Phát khẳng định đang thực hiện các thủ tục đầu tư để phát triển thêm 3 KCN trong thời gian tới.
Đối với dự án trọng điểm Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, tổ hợp này đã được triển khai từ quý I/2022 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm.
Hòa Phát cập nhật đến nay đã hoàn thành lắp đặt thiết bị phân kỳ 1, chuẩn bị đưa vào hoạt động thử nghiệm từ đầu quý I/2025, đúng tiến độ đề ra. Phân kỳ 2 của dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2025.
Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao, trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực.
Theo nhận định của một số báo cáo nghiên cứu thị trường, năm 2025, ngành thép tiếp tục sẽ có nhiều diễn biến khả quan.
Nhiều ý kiến đánh giá, thép là một trong những ngành có sự hồi phục rõ nét trong năm 2024. Các doanh nghiệp lớn gồm Tập đoàn Hòa Phát đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Trong báo cáo chiến lược năm 2025 vừa phát hành, Chứng khoán MB (MBS) dẫn thông tin từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến giảm 0,9% so với cùng kỳ trong năm 2024, do nhu cầu yếu đi từ Trung Quốc đến từ khủng hoảng thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa vẫn tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17 triệu tấn; nhờ vào sự tăng trưởng của thép xây dựng và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG).
Năm 2025, MBS kỳ vọng sự gia tăng nguồn cung nhà ở và đầu tư công sẽ là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng sản lượng thép; khi các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ bởi các luật mới liên quan và một số dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành...
MBS dự báo tổng sản lượng thép trong năm 2024 đạt 19,8 triệu tấn (tăng 21% so với cùng kỳ) và sẽ đạt 21,8 triệu tấn (tăng 10%) trong năm 2025.
Với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, MBS cũng cho rằng giá thép xây dựng Việt Nam sẽ có tăng trưởng tích cực từ quý IV/2024.
Ngoài ra, MBS kỳ vọng việc thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép HDG có thể được áp dụng vào năm 2025, giúp thị phần của các nhà sản xuất trong nước có thể cải thiện. Đơn vị phân tích dự báo thị phần của Hòa Phát trong phân khúc HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá áp dụng đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ.
Về cổ phiếu, MBS đánh giá cao triển vọng cổ phiếu HPG vì cho rằng hiện cổ phiếu này đang được định giá thấp hơn so với mức trung bình của các chu kỳ trước. MBS dự phóng năm 2025, lợi nhuận ròng của Hòa Phát có thể đạt 17.995 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ).
SSI Research dự báo Tập đoàn Hòa Phát có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách bảo hộ. Ngoài ra, thép xây dựng và HRC ít phụ thuộc vào xuất khẩu khi tỷ trọng xuất khẩu lần lượt là 20% và 35% tổng sản lượng trong 11 tháng đầu 2024, so với mức 56% đối với thép mạ kẽm.