Tạo môi trường khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp

Thanh niên là nguồn nhân lực dồi dào góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Mặc dù là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai nằm trong tốp đầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của cả nước. Trong đó, thanh niên nông thôn có đóng góp rất lớn.

Nông dân tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu khởi nghiệp làm giàu với mô hình trồng cây có múi. Ảnh:B.Nguyên

Nông dân tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu khởi nghiệp làm giàu với mô hình trồng cây có múi. Ảnh:B.Nguyên

Đồng Nai là tỉnh có Phong trào Thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sôi nổi… Thanh niên là lực lượng góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với đô thị.

Tạo ra “làn sóng” khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một “làn sóng” trong giới trẻ; đặc biệt là thanh niên nông thôn ngày càng được các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tạo điều kiện và nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội.

Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ thanh niên tham gia phát triển kinh tế và có Phong trào Thanh niên khởi nghiệp cao và sôi nổi ở khu vực nông thôn gắn với Phong trào Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, ở các vùng nông thôn, các mô hình kinh doanh mới, đột phá đã tạo ra “làn sóng” khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên nông thôn.

Mỗi năm, Đồng Nai có hàng chục ngàn hộ nông dân, trong đó có rất nhiều thanh niên đăng ký tham gia Phong trào Thi đua sản xuất giỏi các cấp. Phong trào đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho nông dân, liên kết sản xuất cùng giúp nhau làm giàu. Trong đó, lực lượng thanh niên đã phát huy ý chí tự lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nội lực gia đình để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... không ngừng được nhân rộng.

Anh Võ Văn Tâm, nông dân tại xã An Phước (huyện Long Thành), đã đầu tư cả ngàn mét vuông nhà màng trồng dưa lưới. Anh ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất từ khâu giống, hệ thống tưới tiết kiệm đến các kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Anh cũng đi đầu tại địa phương khi sử dụng phân trùn quế, phân cá làm nguồn phân bón chính để trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ. Anh còn đầu tư hệ thống lọc nước đảm bảo nguồn nước tưới sạch cho cây trồng, sử dụng đàn ong nuôi để thụ phấn cho vườn cây đạt hiệu quả. Sản phẩm đạt chất lượng cao được thương lái săn đón nên anh thu được lợi nhuận tốt. Do đó, anh vừa mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích nhà màng thêm 1,2 hécta trồng dưa lưới và các loại rau quả khác.

Nông dân thi đua sản xuất, làm giàu

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 81,4 ngàn hộ nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2024.

Các cấp hội đã vận động hội viên, nông dân duy trì tham gia sinh hoạt tại 232 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Không chỉ thi đua phát triển sản xuất, làm giàu, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho 270 hộ khó khăn với gần 1,4 ngàn ngày công, hỗ trợ vật tư (cây, con giống), lương thực… với trị giá thành tiền gần 5 tỷ đồng. Qua Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng được tạo điều kiện đi tham quan các mô hình nông nghiệp hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh, từ đó hình thành tư duy liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân.

Anh Nguyễn Văn Khôn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), là tấm gương nông dân khởi nghiệp khi thành lập Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ với vườn dược liệu xáo tam phân lớn nhất cả nước. Anh cũng là nông dân duy nhất của Đồng Nai được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Anh là nông dân trẻ đầu tiên đưa cây dược liệu xáo tam phân đến Đồng Nai và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng. Bản thân anh đang sở hữu hơn 500 ngàn cây xáo tam phân nguyên liệu 6 năm tuổi trên diện tích 5,6 hécta. Ngoài ra, anh hợp tác với các đối tác xây dựng những vùng trồng dược liệu xáo tam phân hàng chục hécta ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ do anh Khôn thành lập đã chuyển giao cho nông dân cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng đến thu hái theo chuỗi khép kín. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Từ nguyên liệu cây xáo tam phân, Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ đã phát triển được 5 dòng sản phẩm giới thiệu ra thị trường. Đặc biệt, dòng sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân do công ty sản xuất là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Giai đoạn 2017-2022, anh là một trong những nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen, biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

Khuyến khích phong trào bằng chính sách

Có được kết quả trên là nhờ tỉnh, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh, đã thực hiện có hiệu quả những chính sách, hoạt động hỗ trợ thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng, trong khởi sự doanh nghiệp, lập thân, lập nghiệp. Các Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” gắn với Phong trào “Tuổi trẻ Đồng Nai chung tay xây dựng nông thôn mới” thời gian qua được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, thanh niên.

Ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…, đã tạo môi trường thuận lợi cho các phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên nông thôn. Kết quả, trong 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có gần 3,2 ngàn thanh niên tham gia khởi nghiệp, trong đó có hơn 2,2 ngàn thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh có 152 thanh niên là chủ các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên. Nhiều đoàn viên, thanh niên nông thôn đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện toàn tỉnh có hơn 785,8 ngàn thanh niên từ 16-30 tuổi. Trong đó, thanh niên nông thôn chiếm 57,5% tổng số thanh niên toàn tỉnh.

Các chương trình chuyển đổi số, số hóa và ứng dụng công nghệ 4.0 vào các quy trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, marketing, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... đã được thanh niên tích cực ứng dụng. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tối ưu lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại nhiều cơ hội cho thanh niên nông thôn và qua đó cũng nâng tầm sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/tao-moi-truong-khuyen-khich-khoi-nghiep-trong-nong-nghiep-6881d89/
Zalo