Vì sao thanh long Việt mất 'ngôi vương' ở châu Âu, Trung Quốc?
Thanh long Việt Nam đã qua rồi một thời vàng son, không còn được xem là 'vàng trắng' như xưa do Trung Quốc đã chủ động nguồn cung thanh long trong nước.
Thanh long từng được mệnh danh là "nữ hoàng" của các loại trái cây. Thời hoàng kim vào năm 2018, thanh long Việt Nam xuất khẩu ra 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch lên đến gần 1,3 tỷ USD. Thế nhưng những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tiếp giảm, thị trường thu hẹp dần, nhất là tại thị trường Trung Quốc và châu Âu.
Vì sao thanh long không còn giữ “ngôi vương” tại Trung Quốc và châu Âu? Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi cùng TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, thuộc Bộ NN&PTNT về vấn đề này.
Thanh long giảm thị phần tại Trung Quốc đã được dự báo trước
- Phóng viên: Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay dù xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 5,64 tỉ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng xuất khẩu thanh long lại giảm 20%. Liệu có phải thanh long Việt không còn được thị trường nước ngoài ưa chuộng, thưa ông?
+ TS Trần Minh Hải: Thanh long Việt Nam đã qua rồi một thời vàng son, không còn được xem là “vàng trắng” như xưa do Trung Quốc đã chủ động được nguồn cung thanh long trong nước. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…
Ngoài ra, nhờ sản xuất tại chỗ chi phí thấp, sản phẩm tươi ngon nên thanh long Trung Quốc có lợi thế, nhiều siêu thị Trung Quốc thay thế thanh long nhập khẩu bằng thanh long nội địa. Vì vậy, thị phần thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm thời gian qua đã được dự báo trước.
- Dù đã được dự báo từ trước nhưng có lẽ đây còn là hậu quả tất yếu khi thanh long của Việt Nam quá phụ thuộc vào một vài thị trường, thưa ông?
+ Đúng vậy. Việc thanh long xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào một thị trường là rất rủi ro, kể cả sầu riêng hiện nay gần 80% sản lượng đều xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc cũng tiềm ẩn rất rủi ro không kém.
Hơn nữa, người dân Trung Quốc thích thanh long ruột đỏ, tai xanh hơn thanh long ruột trắng nên thời gian qua nhiều địa phương ở Việt Nam chuyển dần sang trồng thanh long ruột đỏ. Vì vậy diện tích thanh long ruột trắng tại Việt Nam giảm rất nhanh.
Trong khi đó, thanh long sấy dẻo Việt Nam đang dần tăng vì tính tiện lợi trong vận chuyển, bảo quản và tiêu dùng của một số nước Bắc Âu, Nga, các nước có mùa đông kéo dài. Hiện nay, nhu cầu thanh long ruột trắng để sấy dẻo ngày càng tăng nhưng đã có dấu hiệu thiếu nguyên liệu. Vì vậy, quy hoạch vùng trồng, hiểu được thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm là rất quan trọng.
Diện tích trồng thanh long của Việt Nam từ 64.700 ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn/năm vào năm 2021, đến cuối năm 2023 còn 55.000 ha với sản lượng 1,2 triệu tấn/năm.
Diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc tăng rất nhanh từ 3.400 ha năm 2011 lên đến 67.000 ha năm 2021 với sản lượng đạt 1,6 triệu tấn. Đáng chú ý, 40% diện tích trồng thanh long của Trung Quốc tập trung ở tỉnh Quảng Tây đang có xu hướng tăng lên rất nhanh.
Suy nghĩ sai lầm
- Chất lượng nông sản xuất khẩu nói chung và thanh long nói riêng là vấn đề nóng thời gian qua luôn được khuyến cáo phải tuân thủ nghiêm. Theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết hiệu quả vấn đề này?
+ Thanh long Việt Nam sản xuất và xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng việc đầu tư sản xuất theo chuỗi thanh long giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác rất yếu. Các nhà sản xuất, kinh doanh thanh long coi nhẹ đầu tư chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi. Từ đó phát sinh tâm lý là thị trường Trung Quốc dễ dãi. Đây là suy nghĩ sai lầm trong chuỗi giá trị thanh long.
Chúng ta phải nhớ rằng, Trung Quốc đã thay đổi rất nhanh về tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay, thị trường này không còn dễ tính và nhà nhập khẩu yêu cầu tiêu chuẩn cũng rất cao.
Chúng tôi khuyên nông dân Việt Nam phải thay đổi, cho dù sản xuất để bán cho thị trường nào cũng phải áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Sử dụng vật tư trong danh mục cho phép, cách ly đúng thời gian để nâng cao chất lượng sản phẩm của nông sản Việt Nam chung và thanh long nói riêng.
Đáng chú ý, ngay cả ở châu Âu hiện nay, thanh long cũng đang đối mặt với nguy cơ không bán được vào thị trường này. Cụ thể, tháng 5-2024, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) dẫn thông báo của châu Âu về việc thanh long Việt Nam phải chịu tần suất kiểm tra biên giới với tỉ lệ 20%, phải bổ sung chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU.
Việc kiểm tra biên giới tỉ lệ 20% đẩy giá thành thanh long Việt Nam tăng 1,5 lần, làm mất đi khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của một số nước.
Tại nhiều hệ thống siêu thị châu Âu, họ đã thay thanh long Việt Nam bằng thanh long Campuchia. Điều này vô cùng bất lợi với thanh long Việt Nam.
Các địa phương cần triển khai ngay bản đồ nông hóa thổ nhưỡng
-Như vậy, cơ hội cho trái thanh long Việt Nam mở rộng thị trường là khó khăn, thưa ông?
+ Hiện nay rau quả, gồm trái cây Việt Nam, đã vươn ra nhiều thị trường lớn, khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Riêng thanh long tươi đang gặp rào cản lớn khi bán vào thị trường châu Âu, còn các sản phẩm chế biến rất thuận lợi.
Vì vậy, bên cạnh việc đáp ứng các quy định an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Góp phần đưa rau quả Việt Nam tiếp cận thêm nhiều thị trường hơn.
-Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và đang tự chủ nguồn cung một số trái cây, chúng ta cần chuẩn bị gì, thưa ông?
+ Giải pháp căn cơ là cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương cần triển khai ngay bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để biết vùng đất nào phù hợp trồng loại cây gì…Các địa phương cũng phải quy hoạch lại vùng trồng gắn với mã vùng trồng.
Song song đó, cần tuyên truyền cho người nông dân hiểu để họ có trách nhiệm cùng nhau theo dõi quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là yêu cầu bắt buộc không riêng thị trường Trung Quốc mà các thị trường nhập khẩu đang đặt ra đối với hàng hóa, chúng ta phải đáp ứng để tồn tại và phát triển.
Hơn nữa, các địa phương cần có những thông tin dự báo về thị trường. Nếu không có nhiều nguồn lực để mua dữ liệu, địa phương cần tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn mời chuyên gia cập nhật và chia sẻ thông tin thị trường. Từ đó, sẽ giúp người nông dân sản xuất các sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Mặt khác, đã đến lúc người nông dân sản xuất không chạy theo số lượng mà cần đầu tư vào chất lượng. Ngoài bán sản phẩm thanh long tươi, chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ thanh long cũng như tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ NN &PTNT đã khuyến cáo các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh chuỗi liên kết và nâng cao chất lượng cho trái thanh long.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng song song với việc xuất khẩu thanh long tươi, Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu vừa giúp giảm được áp lực mùa vụ, vừa giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Thời gian vừa qua, nông dân, doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để tăng giá trị cho thanh long. Ví dụ như làm bánh mì thanh long, bún thanh long, mì thanh long…được người tiêu dùng trong nước đón nhận.
.