Tạo mọi điều kiện để phát huy thế mạnh của sân khấu TP HCM

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho rằng những tác phẩm mới, đạt chất lượng cao sẽ góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa nghệ thuật phát triển xứng tầm thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Với quyết tâm đi tìm sức sống mới cho sân khấu tại TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM đã tạo mọi điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật nỗ lực sáng tạo để đưa loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, đã trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động:

. Phóng viên: Sau tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP HCM" do Sở VH-TT TP HCM phối hợp với Hội Sân khấu TP HCM tổ chức, cùng với kế hoạch tổ chức Liên hoan Sân khấu TP HCM năm 2024, bà có thể cho biết định hướng của Sở về giải pháp nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu hiện nay?

- NSND NGUYỄN THỊ THANH THÚY: Hiện nay, một số định hướng về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng trong thời gian tới đã được hoạch định. Sở VH-TT TP HCM sẽ hệ thống lại các nội dung đề ra tại tọa đàm, tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các tọa đàm chuyên đề như xây dựng kịch bản, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc cho sân khấu cải lương, trong đó có nghệ thuật cải lương tuồng cổ; sắp tới sẽ tổ chức Liên hoan Sân khấu TP HCM lĩnh vực cải lương, trong đó có hạng mục về đề tài sử Việt.

Thành quả mà tọa đàm đạt được chính là sự quan tâm, bày tỏ những trăn trở, trình bày những tâm tư, nguyện vọng cùng với chia sẻ niềm vui trước các tín hiệu mới của sân khấu cải lương tuồng cổ. Quan trọng hơn qua những tham luận, những ý kiến phát biểu đã chú trọng đến việc nỗ lực xây dựng lộ trình mới để các đơn vị nghệ thuật cải lương tuồng cổ xã hội hóa tiếp cận một cách mạnh mẽ với dòng khuynh hướng sáng tác kịch bản sử Việt.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM

. Để tạo cơ chế đặc thù cho sân khấu TP HCM phát triển, bà đang quan tâm đến giải pháp nào?

- UBND TP HCM đã trình HĐND TP HCM về chính sách miễn thuế doanh nghiệp cho các công ty ở lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn TP HCM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập này.

Như vậy, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa được xem là doanh nghiệp có thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản này phải đáp ứng quy định của Hội đồng Nghệ thuật TP HCM về lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... đều được miễn thuế để phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở VH-TT TP HCM hỗ trợ quảng bá đối với các suất diễn của những vở diễn sân khấu có chất lượng cao về giá trị nội dung, nghệ thuật, chú trọng đề tài sử Việt.

. Trong các nhóm giải pháp mà các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu nêu tại buổi tọa đàm, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được nhắc đến nhiều. Hiện Sở VH-TT TP HCM có kế hoạch xúc tiến giải pháp này?

- Sở VH-TT TP HCM đang xây dựng chính sách trình HĐND về hỗ trợ cho đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có đào tạo truyền nghề, chính sách sử dụng người có tài năng nghệ thuật; chính sách hỗ trợ nghệ nhân, các văn nghệ sĩ của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Vấn đề truyền nghề trong đào tạo rất quan trọng.

Vừa qua, khi tham dự tọa đàm về sân khấu cải lương tuồng cổ, tất cả văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu đều xúc động, vui mừng khi thấy có một thế hệ trẻ là diễn viên "nhí" kế thừa. Đó là tín hiệu đáng mừng khi các em diễn trích đoạn "Gió lộng cờ lau" đều ở độ tuổi từ 7 đến 12. Trong nhóm Bầu trời xanh của Nhà hát Trần Hữu Trang hiện nay có một số em là thế hệ thứ sáu của đại gia tộc tuồng cổ Minh Tơ. Các em đều là học sinh giỏi ở các trường tiểu học, phổ thông.

Trích đoạn “Gió lộng cờ lau” của nhóm Bầu trời xanh - Nhà hát Trần Hữu Trang. Ảnh: THANH HIỆP

Trích đoạn “Gió lộng cờ lau” của nhóm Bầu trời xanh - Nhà hát Trần Hữu Trang. Ảnh: THANH HIỆP

. Sân khấu học đường năm 2024 đã khởi động. Để tạo hiệu quả đồng bộ cho hoạt động quảng bá, giới thiệu những đặc trưng cơ bản của các lĩnh vực: hát bội, cải lương, kịch, xiếc, rối... đến với học sinh, sinh viên, Sở VH-TT TP HCM đã có định hướng gì?

- Sở VH-TT TP HCM kết hợp Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch về bồi dưỡng, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian Việt Nam vào môi trường học đường trong thời gian tới. Đối với các đơn vị công lập như: Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM, Nhà hát Kịch TP HCM... đã tổ chức chương trình Sân khấu học đường, giới thiệu những nét đặc trưng của từng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến với học sinh, sinh viên.

Các đơn vị ngoài công lập như: Sân khấu Sen Việt, Sân khấu Lạc Long Quân, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM… đã được hỗ trợ kinh phí để tổ chức chương trình Sân khấu học đường, tạo hiệu quả trong thời gian qua và tiếp tục góp phần gặt hái thêm nhiều thành quả mới cho năm học 2024 - 2025.

. Liên hoan Sân khấu TP HCM hứa hẹn sẽ mang lại thành tựu mới cho sàn diễn chuyên nghiệp khi có hơn 20 tác phẩm mới sẽ ra mắt công chúng đợt này?

- Liên hoan Sân khấu TP HCM mang chủ đề "Khát vọng phương Nam" với thể loại kịch nói nhằm thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thông qua liên hoan sẽ góp phần phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Giới thiệu những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật biểu diễn nói chung, lĩnh vực sân khấu nói riêng.

Để có được những tác phẩm đạt chất lượng cao tham gia liên hoan, hội đồng nghệ thuật gồm các đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu... thuộc Hội đồng Nghệ thuật của Sở VH-TT TP HCM, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham gia.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy đặc biệt quan tâm: "Tôi đã phát biểu tại tọa đàm sân khấu cải lương tuồng cổ, điều không riêng tôi trăn trở đó là đề nghị quan tâm công tác lý luận, phê bình của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật TP HCM. Đồng thời lĩnh vực lý luận, phê bình trên các phương tiện truyền thông thời gian tới cần được tập trung một cách chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa".

Thanh Hiệp thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tao-moi-dieu-kien-de-phat-huy-the-manh-cua-san-khau-tp-hcm-196240924202302163.htm
Zalo